Loạt siêu thị Hà Nội đóng cửa: Chuỗi cung ứng hàng thiết yếu bị đe dọa

(khoahocdoisong.vn) - Nhà máy đóng cửa, thiếu hụt nhân công, vận chuyển nguyên liệu, sản xuất bị ách tắc nhưng doanh nghiệp vẫn phải cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho thị trường... Đó là vấn đề đặt ra với hệ thống cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu hiện nay.

Chuỗi cung ứng đã gãy

Vừa qua, khi ổ dịch Covid-19 tại Công ty Cung ứng thực phẩm Thanh Nga (82/651 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bùng phát, Công ty CP Thương mại dịch vụ VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+) đã quyết định tạm dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này.

Tính tới 13h ngày 2/8, có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ đã đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp và phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các F liên quan F0 của nhà cung cấp Thanh Nga.

Trong một thông tin trấn an, VinCommerce cho biết trong thời gian các siêu thị, cửa hàng nêu trên tạm dừng hoạt động, gần 1.000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ còn lại tại Hà Nội sẽ tăng công suất phục vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Tuy nhiên, một cách thận trọng đề phòng nguy cơ, trong ngày 2/8, một số phường tại Hà Nội đã yêu cầu tạm đóng cửa thêm một số cửa hàng VinMart/VinMart+ phục vụ việc truy vết. Nâng tổng số lên 20 siêu thị Vinmart và 17 cửa hàng Vinmart+ phải tạm đóng cửa.

Tình huống xảy ra với hệ thống của VinMart/VinMart+ là dấu hiệu báo động đối với chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu của Hà Nội. Trong thời gian thành phố giãn cách xã hội, nhu cầu về nhu yếu phẩm tăng cao. Do vậy, việc đảm bảo cung ứng các loại hàng hóa cho thị trường đang là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, những hoạt động siết chặt giám sát như vận tải, phát phiếu đi chợ, hạn chế đi lại… đã tác động tiêu cực tới khả năng cung ứng.

Trong tình huống này, việc có thêm các điểm bán hàng, các siêu thị (không riêng chỉ “3 tại chỗ”) và chợ bị đóng cửa sẽ khiến khả năng cung cấp bị gia tăng khả năng rối loạn, thiếu cục bộ và ảnh hưởng tới an ninh xã hội. Thực tế, này đang xảy ra tại TPHCM.

Cụ thể, kể từ ngày đầu giãn cách xã hội đến nay, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thậm chí đến chợ dân sinh của TPHCM luôn rơi vào tình trạng khan hàng, cháy hàng. Báo cáo của Sở Công Thương TPHCM cho biết, mỗi ngày thành phố thiếu khoảng 1.500 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống các loại, gần 500 ngàn quả trứng, đó là chưa kể các loại hải sản, thịt cũng đang thiếu.

Trong khi đó ở các địa phương vệ tinh TPHCM, các loại hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thịt heo, thịt gà, trái cây, hải sản… đang dư thừa, gây thiệt hại cho người dân và đặt các cơ quan chức năng trước áp lực rất lớn. Khó khăn trong tổ chức thu gom và vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các vùng nguyên liệu, nhà máy tới các điểm tiêu thụ có thể được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên.

Kệ hàng rỗng đang xảy ra ở nhiều siêu thị tại TPHCM.

Kệ hàng rỗng đang xảy ra ở nhiều siêu thị tại TPHCM.

Tuy xe “luồng xanh” đã được ưu tiên lưu thông khi bắt đầu giãn cách, nhưng quy định về “luồng xanh” tại từng địa phương đang tạo các “đèn đỏ” hạn chế vận chuyển hàng hóa.

Giấy xét nghiệm PCR có thời hạn chỉ 3 ngày khiến lái xe phải chi trả nhiều chi phí hơn để được lưu thông. Hệ thống QR code được ghi nhận quá tải từ khi “luồng xanh” xuất hiện và còn có nguy cơ bị tấn công mạng rất lớn.

Rõ ràng các địa phương đang thể hiện sự lúng túng trong phối hợp, thống nhất giữa cấp quyền cho xe ưu tiên lưu thông.

Đặc trưng của ngành sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách xã hội thì doanh nghiệp gánh hệ quả nặng nề.

Sự thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo… “khó chồng khó”.

"3 tại chỗ" + văcxin mới "giữ" được cung ứng

Hiệu ứng của việc thiếu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất đã xuất hiện tại nhiều KCN. Cụ thể như tại Bình Dương, 150 doanh nghiệp đề nghị được dừng hoạt động do không có nguyêu liệu sản xuất.

Với doanh nghiệp trong các KCN đang hoạt động “3 tại chỗ”, tình hình không khá khẩm hơn. Một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu cho biết, nhà máy tại Bình Dương chỉ còn 800/2.400 công nhân còn làm việc, số còn lại đã nghỉ hết do sợ lây nhiễm. Dây chuyền sản xuất bị rối loạn, sụt giảm không đủ cung cấp sản phẩm cho thị trường. Trong khi đó nhà máy của công ty tại Đồng Nai bị buộc dừng hoạt động, dù cả hai nhà máy đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc sản xuất “3 tại chỗ”.

Thiếu hụt và buộc các nhà máy trong KCN dừng hoạt động là dấu hiệu cho sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đang được Chính phủ cố gắng duy trì hiện nay.

Trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp khẳng định việc duy trì phương án sản xuất “3 tại chỗ” chỉ hiệu quả khi công nhân được tiêm văcxin. Tuy nhiên, quan điểm các doanh nghiệp cho rằng, việc ưu tiên duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đã không được đánh giá và chỉ đạo thực hiện đúng mức.

Cụ thể, trong khi lưu thông hàng hóa thiết yếu đã phần nào được giảm ách tắc thì lao động trong các ngành sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu như siêu thị, thực phẩm, đồ ăn, đồ uống… lại rất khó tiếp cận tiêm văcxin, dù doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí và chỉ chờ Bộ Y tế đồng ý. Trong khi nhiều doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng như bất động sản tại một số tỉnh lại được tiêm.

“Việc tạm đóng cửa hàng chục siêu thị, cửa hàng  VinMart/VinMart+ tại Hà Nội hiện khá rủi ro. Do các nhân viên tại đây giao tiếp số người rất lớn mỗi ngày. Nếu nhân viên siêu thị và công nhân sản xuất tại các nhà máy nhu yếu phẩm phải ngừng việc, chắc chắn sẽ làm gián đoạn khả năng cung cấp hàng theo yêu cầu của địa phương và Chính phủ” – đại diện một doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu lo ngại.

Hệ quả là dù nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ 3 tháng, thậm chí 6 tháng trước nhưng vẫn rơi vào tình trạng sản xuất khó khăn. Hàng hóa tại nhiều hệ thống siêu thị đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thiếu cục bộ.

Nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng hàng hóa hiện nay đang hiện hữu.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top