Loạn thủy điện - kỳ 6: Mượn thủy điện phá rừng

(khoahocdoisong.vn) - Các thủy điện khi lấn chiếm đất rừng thì phải trồng bù rừng, nhưng đất đâu mà trồng nữa? Theo thống kê, rừng bị tàn phá ác liệt dẫn đến lũ, lũ quét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Gia tăng lũ

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, việc xây dựng công trình thủy điện đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên cùng với mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ, đồng thời còn mất đất rừng cho xây dựng các hạng mục công trình khác, như nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện,... đều kéo theo mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề của di dân tái định cư,... Ước tính năm 2010, diện tích đất - rừng bị mất do xây dựng công trình thủy điện ở nước ta là khoảng 2.760km2; đến năm 2015, diện tích rừng bị mất sẽ lên đến hơn 5.300km2; và đến năm 2020 sẽ là trên 6.520km2

Việc tận thu rừng trong lòng hồ, khu vực công trình cũng luôn kéo theo sự lợi dụng để khai thác, tàn phá rừng đầu nguồn các lưu vực sông. Hậu quả là thủy điện làm mất dần “bình phong” điều tiết lũ tự nhiên trên lưu vực, gián tiếp làm gia tăng lũ, đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ mất bền vững của công trình (giảm tuổi thọ và tăng các chi phí khác của vận hành hồ chứa thủy điện theo quy định).

Theo PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, tàn phá rừng khi xây dựng công trình thủy điện chính là con đường ngắn nhất tự gây thảm họa cho chính mình. Mất rừng là mất tài nguyên, nhiệt độ tăng cao hơn, biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, nhưng trước mắt là thảm họa lũ lụt đổ ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng lớn hơn và sự phát triển chẳng khi nào bền vững được.

Động thực vật bị tận diệt

Theo TS Đào Trọng Tứ, Trung tâm Bảo tồn Tài nguyên nước và Thích nghi với biến đổi khí hậu, ở nhiều nơi, dân được đền bù một khoản tiền, có khi là hàng tỉ đồng, nhưng không có đất sinh kế, ngồi nhìn nhau và ăn dần số tiền đó cho đến hết. Người dân các vùng tái định cư không yên tâm để sinh sống lâu dài. Không có đất sản xuất thì người ta trồng trọt cấy cày bằng gì, lấy gì để mà ăn?

Theo Bộ NN&PTNT, để làm 160 dự án thủy điện, chúng ta mất 20.000 ha rừng, trung bình mỗi dự án "ngốn" 125ha. Một thống kê khác, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha rừng, chưa kể những thiệt hại khác như phá rừng để lấy đất phục vụ tái định cư, làm nương rẫy mới, lâm sản bị tận thu kiểu "ăn theo", tình trạng biến đổi dòng chảy, lúc thiếu lúc thừa nước, lũ lụt đe dọa, môi trường bị tàn phá, động thực vật hoang dã bị tận diệt… Ta đã có nhiều kinh nghiệm xương máu trong việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, Nhà máy Thủy điện Krong Kma, khiến cho diện tích rừng bị mất khá lớn, chưa kể nhiều hệ lụy khác như mất đất, tranh chấp nước giữa thủy lợi và thủy điện.

Theo GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, không khó để nhận thấy việc xin cấp phép xây dựng những nhà máy thủy điện nhỏ thực chất chỉ là mượn cớ làm thủy điện để hợp thức hóa việc phá rừng. Vườn quốc gia phần nhiều là những rừng nguyên sinh, tài nguyên rừng như gỗ, lâm sản, động thực vật hoang dã mang nguồn gene quý hiếm.

Trong lúc việc khai thác rừng bên ngoài thời gian gần đây bị cấm đoán gắt gao, hơn nữa rừng cũng đã gần như cạn kiệt thì các chủ đầu tư chuyển hướng, nhắm tới các vườn quốc gia. Nếu như được cấp phép suôn sẻ, họ chỉ cần khai thác lâm sản dưới dạng tận thu đã có lãi, lợi ích từ làm thủy điện chỉ là chuyện nhỏ, có thể "bán cái", thậm chí bỏ dở cũng không sao.

“Theo quy định, công trình thủy điện chiếm bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng đền bù bấy nhiêu. Thế nhưng bất cập là không có đất để trồng bù. Đến nay, chưa có chủ đầu tư nào thực hiện việc trồng rừng này đúng quy trình. Việc trồng cũng chỉ cho có, trồng được một vài cây lưa thưa để gọi là cũng có trồng”, TS Đào Trọng Tứ.

Theo Đời sống
back to top