Loạn thủy điện - kỳ 4: Đánh giá tác động môi trường chỉ trên giấy

(khoahocdoisong.vn) - Đánh giá tác động môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình thủy điện. Nhưng ở nhiều nơi, việc đánh giá này vô cùng sơ sài, thậm chí có nơi còn nảy sinh tiêu cực.

Đánh giá sơ sài

Theo TS Đào Trọng Tứ, Trung tâm Bảo tồn tài nguyên nước và Thích nghi với Biến đổi khí hậu, từ năm 2005 ở Việt Nam mới bắt đầu thực hiện quy định bắt buộc đánh giá tác động môi trường đối với thủy điện. Nhưng đánh giá này có chính xác, có hiệu quả hay không? Các vấn đề như di dân, tái định cư, người ta đã làm như thế nào? Tác động đến hạ lưu như thế nào? Họ có để ý đến môi trường không, hay là khi báo chí và dư luận nói nhiều quá thì người ta mới làm chấp vá cho xong.

Thủy điện nào cũng nói đã hoàn thành di dân tái định cư, thế nhưng thử hỏi có khu tái định cư nào mà người dân cảm thấy yên ổn, an cư lạc nghiệp? Hay là đền bù một số tiền, xây cho một cái nhà rồi cứ ngồi nhìn nhau ăn dần số tiền đó? Ai quan tâm đến sinh kế lâu dài của người dân vùng thủy điện? Thậm chí có những công trình phá vỡ cả bản sắc văn hóa của cư dân vùng đó.

TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, nhiều công trình thủy điện không có hoặc có đánh giá tác động môi trường nhưng rất sơ sài, đánh giá có tính “đối phó”. Thậm chí có trường hợp còn đánh giá bằng cách “tranh thủ” các cơ quan chức năng nhằm làm giải quyết nhanh chóng các thủ tục để xây dựng công trình thủy điện.

“Theo quan điểm của tôi, chỉ cần lượng định được đến 50 - 60% các tác động môi trường đã là tốt lắm rồi. Chứ như nhiều công trình thủy điện nhỏ và vừa giao hẳn việc đánh giá tác động môi trường cho địa phương, trong khi lãnh đạo địa phương ít hiểu biết về kỹ thuật đánh giá. Thế là “thông qua” và chủ đầu tư cứ làm quáng quàng cho có. Đó là cái rất nguy hiểm. Trên giấy tờ thì đầy đủ hết, đây, đánh giá lũ thế nào, rừng ảnh hưởng thế nào, di dân thế nào, nguồn thủy lợi bị ảnh hưởng ra sao. Nhưng thực tế nó lại là những con số rất khác, chẳng ăn nhập gì với thực tế”, TS Lê Bắc Huỳnh chia sẻ.

Không tính đến lâu dài

Khi hình thành các hồ chứa sẽ phân nhỏ dòng sông vùng thượng lưu và trung lưu thành các đoạn sông và làm mất đi tính liên tục của dòng chảy. Việc xây dựng đập và hồ chứa làm thay đổi căn bản chế độ thuỷ văn, lưu lượng dòng chảy ở cả phía trên đập lẫn phía sau đập. Sự thay đổi chế độ thuỷ văn, dòng chảy sẽ làm thay đổi môi trường sống, gây tác động mạnh lên hệ sinh thái và khu hệ thuỷ sinh vật sống, đặc biệt là ở vùng hạ lưu sau đập.

Việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính dự báo và tập trung đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xây và và giai đoạn vận hành nhà máy, mà hầu như chưa chú trọng tới đánh giá tác động môi trường lâu dài ở vùng sau đập về sản lượng cá, về nơi cư trú, nơi sinh sản của các loài thuỷ sinh vật nói chung và cá nói riêng.

Việc phát triển ồ ạt thủy điện dẫn tới một thực trạng hiện nay là chính các dòng sông đã trở nên “quá tải”. Theo ý kiến các chuyên gia, gần như tất cả các điểm có thể làm được thủy điện thì chúng ta đã làm hết rồi. Rất khó để tìm ra một điểm có thể xây mới một công trình thủy điện lớn. Lợi dụng nhiều thủy điện trên một con sông, có nhà đầu tư thậm chí còn sao chép báo cáo tác động môi trường chỗ nọ chỗ kia để nộp lên. Sao chép mỗi chỗ một tí. Có những người lập ra báo cáo tác động môi trường mà chưa một lần đến thực địa. Vậy thì đánh giá tác động môi trường để làm gì?

Theo TS Lê Bắc Huỳnh, báo cáo tác động môi trường của nhiều dự án có yếu tố bất ổn. Ví dụ, chủ đầu tư thường chỉ báo cáo diện tích chiếm dụng lòng hồ, nhưng lại không tính đầy đủ diện tích đường quản lý, vận hành, đường kết nối với công trình thủy điện, các công trình phụ trợ phục vụ thủy điện… dẫn đến không báo cáo đầy đủ mức độ tổn hại lâu dài, khó đảo ngược do chiếm dụng đất, mất rừng đầu nguồn, hủy hại hệ sinh thái, tác động đến sinh kế, đời sống, việc làm của các đồng bào dân tộc ở vùng núi nơi đang phát triển quá nóng các công trình thủy điện.  

Theo Đời sống
back to top