Loại bỏ vi khuẩn Salmonella trong rau tươi

(khoahocdoisong.vn) - Nghiên cứu mới của nhóm tác giả ở Đại học Cần Thơ và Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) cho thấy, các mẫu rau trong các khu chợ Cần Thơ bị nhiễm khuẩn Salmonella với tỷ lệ tương đối cao, gần 13%.

Hỏi: Được biết, nghiên cứu mới của nhóm tác giả ở Đại học Cần Thơ và Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) cho thấy, các mẫu rau trong các khu chợ Cần Thơ bị nhiễm khuẩn Salmonella với tỷ lệ tương đối cao, gần 13%. Làm thế nào để loại bỏ vi khuẩn này?

Trả lời: Các mẫu rau mà nhóm lựa chọn để nghiên cứu gồm xà lách, mùi tàu, húng, bạc hà, cải bẹ xanh, ngò ôm, rau cần, rau muống... 

Kết quả cho thấy, các mẫu rau tươi tại các chợ bán đồ tươi sống ở Cần Thơ đã bị nhiễm khuẩn Salmonella với tỷ lệ tương đối cao, trong số 572 mẫu có 74 mẫu rau (chiếm 12,9%) bị nhiễm khuẩn. Vào mùa mưa, tỷ lệ rau bị nhiễm khuẩn là 15,3%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 7,6% vào mùa khô. Bên cạnh đó, trong số 74 mẫu ấy, kết quả phân tích cũng cho thấy Salmonella Weltevreden là kiểu huyết thanh (serovar) phổ biến nhất (chiếm 35,1%) trong các mẫu rau tươi tại tất cả các khu chợ.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, salmonella là vi khuẩn tương đối phổ biến. Vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn. Vi khuẩn này nếu ở trong thịt không đáng lo ngại vì nấu ở nhiệt độ cao thì vi khuẩn sẽ chết. Nhưng đáng lo ngại là vi khuẩn nhiễm vào các loại rau ăn sống, rau ăn lá.

Để loại bỏ vi khuẩn trong rau ăn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên rửa rau bằng nước sạch nhiều lần là điều quan trọng nhất, tốt nhất nên rửa 4 - 5 lần, chứ đừng nên lạm dụng nước muối để rửa rau, củ quả. Nên dùng chậu nhiều nước để dễ loại bỏ đất cát, sau đó rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần giúp trôi bụi bẩn lẫn hóa chất. Chỉ nên ngâm thực phẩm với muối trong chậu nước khi đã rửa sạch đất cát. Sau đó, thực phẩm vẫn cần rửa lại dưới vòi nước sạch. Cần tách biệt trái cây, rau quả với thịt sống, thịt gia cầm và hải sản. Khi ở nhà, cần rửa tay, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nhà bếp và bề mặt để sơ chế thực phẩm (dao, thớt, mặt bàn...).

Rau sống rửa xong cần để ráo nước. Một số loại rau nên chần qua nước sôi, ở nhiệt độ cao, vi khuẩn sẽ chết và không gây hại.

Theo KH&ĐS
back to top