Loại bỏ clo trong nước sinh hoạt

Tình trạng nước sinh hoạt lúc thì sặc mùi clo, lúc lại thiếu khiến vi sinh vật phát triển… không phải là hiếm gặp. PGS.TS Trần Hồng Côn, người từng có những điều tra thực nghiệm chất lượng nước ở nhiều địa phương khẳng định, không chỉ TPHCM, hàm lượng clo trong nước máy ở Hà Nội cũng không ổn định.

Loạn clo trong nước

Kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch trên địa bàn TPHCM do Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2016 cho thấy, hàm lượng clo (hóa chất diệt khuẩn) trong nước ở đầu nguồn cao so với tiêu chuẩn cho phép, ngược lại tại các chung cư quá thấp, thậm chí có nơi không có.

Quá trình đi giám sát chất lượng nước tại một số hồ nước ở chung cư rất mất vệ sinh, thậm chí còn phát hiện xác gián, chuột… trong hồ nước. Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, hàm lượng clo trong nước sạch phục vụ ăn uống là 0,3 – 0,5 mg/lít.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, đường ống hay bị xì bể, chất bẩn từ bên ngoài xâm nhập vào mang theo chất hữu cơ, vi khuẩn. Đó là chưa kể có một lượng lớn đường ống cũ dễ xuất hiện rong rêu lâu ngày bám trong thành ống.

Nếu không đảm bảo lượng clo 0,3 – 0,5mg/lít trong đường ống thì không tiêu diệt hết vi khuẩn, chất hữu cơ. Nước thiếu clo gây nguy cơ nhiễm bệnh nhưng nếu hàm lượng quá cao cũng tác động đến sức khỏe con người. Lượng clo trong nước trên 1mg/lít sẽ gây dị ứng.

Một số người nhạy cảm với clo sẽ có triệu chứng khó thở, chảy nước mắt, cảm thấy ngộp… Qua khảo sát chất lượng nước một số điểm ở Hà Nội cũng cho thấy chung tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu clo. Điều này người dân có thể dễ dàng quan sát nước sinh hoạt, có lúc có mùi hắc nồng nặc, nhưng có lúc thì không.

Điều này được lý giải gì ở đầu cấp, nước sau khi lọc được cho vào bể chứa và sục clo để diệt vi khuẩn. Tuy nhiên bản thân công ty kinh doanh nước sạch cũng chưa kiểm soát tốt việc sục này, cộng với do mạng lưới mạng lưới cấp nước hiện nay tương đối rộng nên có tình trạng nước đầu nguồn thừa clo, nước cuối nguồn lại thiếu.

Clo là chất oxy hóa tương đối mạnh, có thể coi là chất độc ngay cả khi ở nồng độ rất thấp thì clo vẫn có thể gây ra sưng tấy cho các tế bào hồng cầu, làm suy giảm vật liệu nhựa trao đổi ion… Vì vậy, cần loại bỏ clo khi nguồn nước sử dụng có nồng độ clo vượt mức cho phép.

Xử lý để có nước sạch

PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, clo là hóa chất khử trùng chủ yếu sử dụng trong hệ thống cung cấp nước cộng đồng cỡ nhỏ ở nhiều quốc gia. Việc khử trùng nước uống nhằm ngăn cản các bệnh lan truyền qua đường nước.

Clo có ưu điểm hơn hẳn các chất khử trùng khác là để lại một lượng clo thừa sau khử trùng có tác dụng ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển và trữ nước tại nhà. Trong một số trường hợp, thiếu clo thừa trong hệ thống phân phối có thể gây ô nhiễm sau xử lý.

Về cơ bản, lượng clo có trong nước (nếu đúng chuẩn) sẽ bốc hơi trong quá trình đun nấu, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trường hợp nước nhiễm vi sinh thì đa phần cũng sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, với clo vượt quá chuẩn thì tùy nồng độ mà tác động đến sức khỏe khác nhau.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khi thấy nguồn nước có mùi khó chịu xộc lên mũi, người dân chịu khó cho nước ra bồn chứa khoảng vài giờ. Trong thời gian đó lượng clo sẽ bay hơi hết. Hoặc loại bỏ clo bằng cách dùng than dạng hạt (GAC) trong các bộ lọc nước lớn.

Carbon của than hoạt tính phản ứng trực tiếp với clo giúp loại bỏ clo và các hợp chất clo bằng cơ chế hấp thụ bề mặt. Khi phát tia cực tím với cường độ cao, bức xạ quang phổ rộng của tia cực tím sẽ làm giảm Clo tự do.

Tại bước sóng 185 nanomet clo tự do sẽ bị giảm. Lượng tia cực tím cần thiết trong khử clo cao hơn gấp 15 – 30 lần so với yêu cầu khử trùng cũng bằng tia cực tím.

Các máy lọc nước RO cũng có thể loại bỏ lượng clo nhiễm trong nước một cách hiệu quả, và máy lọc nước còn có thể loại bỏ nhiều loại chất độc hại khác nữa nhiễm trong nước để mang lại nguồn nước an toàn và chất lượng cho người sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top