Lở loét, sưng phù vì tự chữa vảy nến

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện (BV) Da Liễu TPHCM đang điều trị cho một bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc, người sưng phù, rỉ dịch và tróc vảy từng mảng do tự ý bôi thuốc của người Dao để điều trị vảy nến. 

Chữa bệnh theo….mách bảo

Bệnh nhân nữ Lê Thị Hồng D. (37 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) nhập viện tại BV Da Liễu TPHCM trong tình trạng toàn thân sưng phù, rỉ dịch, tróc vảy đi kèm với đau nhức nhiều nên không tự đi lại được.

Chân của chị Lê Thị Hồng D. bị biến chứng khi tự ý dùng thuốc nam bôi.

Chân của chị Lê Thị Hồng D. bị biến chứng khi tự ý dùng thuốc nam bôi.

Chị Hồng D. bị bệnh vảy nến nhiều năm. Nghe người quen giới thiệu thuốc Nam TMH của người Dao trị khỏi hẳn bệnh vảy nến nên chị D. ra nhà thuốc gần nhà mua về bôi. Ngay từ đầu, thấy bôi lên da không đỡ mà tình trạng vảy nến ngày càng nặng hơn, lan rộng ra, phát ban toàn thân, hoảng sợ, chị chạy ra nhà thuốc hỏi thì nhân viên nói đây là tình trạng bình thường, ít bữa sẽ hết và da sẽ láng mịn, nên chị tiếp tục bôi. Mỗi ngày bôi 1 týp kem, bôi đến týp thứ 20 thì toàn thân sưng phù, lở loét, rỉ dịch đau nhức chị phải nhờ người nhà đưa vào BV Da liễu TPHCM khám.

BS.CKII Nguyễn Vũ Hoàng – Phó Trưởng khoa Lâm sàng II, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc nặng trên nền bệnh vảy nến. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc tại chỗ. Sau 4 ngày điều trị, hiện tình trạng bệnh đã ổn định, người hết sưng phù, các mảng vảy nến cũ đã bong ra và được thay thế bằng lớp da mới láng mịn hơn.

TS.BS Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc BV Da liễu TPHCM chia sẻ, hiện nay chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến, nhưng người ta tin chắc bệnh có liên quan tới yếu tố gene. Một tế bào da bình thường trưởng thành và rời khỏi bề mặt da trong khoảng 28 – 30 ngày. Nhưng tế bào da của người bệnh vảy nến chỉ cần 3 – 4 ngày là trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da, thay vì rơi ra, chúng lại dính với nhau và tạo nên vảy nến.

Thương tổn đặc trưng của bệnh vảy nến là mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vảy trắng, dễ tróc, thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, cùi chỏ và thân mình. Ngoài ra thương tổn cũng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể như móng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục và mặt...

Bệnh mạn tính nên cần thăm khám định kỳ

TS.BS Trọng Hào lưu ý, một số bệnh kèm theo xuất hiện trước, trong hoặc sau khi khởi phát vảy nến như viêm khớp vảy nến, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch... Viêm khớp xảy ra khoảng 10 – 30% bệnh nhân vảy nến. Ở viêm khớp vảy nến, các khớp và mô mềm xung quanh khớp bị viêm đỏ và cứng. Vảy nến khớp có thể bị ở ngón tay, ngón chân, và có thể xảy ra ở cổ, lưng, ngón chân và mắt cá. Trong những trường hợp bệnh nặng, vảy nến khớp có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục.

TS.BS Nguyễn Trọng Hào – giám đốc BV Da Liễu TPHCM đang khám cho bệnh nhân bị vảy nến.

TS.BS Nguyễn Trọng Hào – giám đốc BV Da Liễu TPHCM đang khám cho bệnh nhân bị vảy nến.

Hiện nay người ta nói nhiều đến một số rối loạn chuyển hóa kèm theo vảy nến như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch…Đây chính là những yếu tố nguy cơ tim mạch do vậy cần lưu ý và tầm soát để phát hiện sớm trên bệnh nhân vảy nến.

Có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, tuy nhiên vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn bệnh mà chỉ có thể kiểm soát bệnh trong một khoảng thời gian dài. 

Với sự phát triển của khoa học, phương pháp điều trị vảy nến bằng các thuốc sinh học đã ra đời (Biologics). Bằng cách ức chế những thành phần đặc hiệu của hệ thống miễn dịch, thuốc sinh học sẽ không hoặc giảm thiểu tác động lên các tế bào của những cơ quan khác, vì vậy hạn chế các tác dụng không mong muốn. 

Các chuyên gia khuyến cáo, để điều trị vảy nến, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc để uống, tiêm..., nhất là các thuốc không rõ nguồn gốc vì rất dễ xảy ra biến chứng, hậu quả khôn lường”. 

Tại BV Da liễu TPHCM, hàng năm có khoảng 11.000 đến 15.000 lượt bệnh nhân vảy nến đến khám và điều trị, trong đó việc tư vấn cho người bệnh rất quan trọng, để họ hiểu rõ tình trạng bệnh của mình, biết cách tự chăm sóc, tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm bệnh nặng hơn, tuân thủ và hợp tác tốt với bác sĩ nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất. 

Hương Giang

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top