Lỗ hổng pháp lý khiến kinh doanh bất động sản ngày càng biến tướng

(khoahocdoisong.vn) - Bất cập, chồng chéo… là những lỗ hổng pháp lý khiến cho thời gian qua, thị trường bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh có dấu hiệu lừa đảo bằng những chiêu trò như góp vốn, đặt cọc… các sản phẩm hình thành trong tương lai.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc xem xét bổ sung, thay đổi các nghị định, văn bản hướng dẫn hình thức huy động vốn đối với hoạt động kinh doanh bất động sản dưới hình thức phân lô bán nền.

Nguyên nhân là do thời gian qua, có nhiều đối tượng lợi dụng lỗ hổng pháp lý để lách luật, đặt ra các hình thức huy động vốn kiểu mới gồm: Hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hoặc hợp đồng đặt cọc giữ chỗ. Mặc dù sau đó, luật đã bổ sung nhưng chưa cụ thể, mà có phần cứng nhắc chỉ nhằm bịt chỗ trống bằng những từ mà các đối tượng này sử dụng. Như vậy càng tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm pháp luật “sáng tạo” ra những hợp đồng huy động vốn kiểu mới.

Ví dụ, Luật Dân sự và Luật Kinh doanh bất động sản không quy định giới hạn của giá trị đặt cọc do hai bên thỏa thuận, cũng không quy định việc đặt cọc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan. Điều này đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị nền đất, gây ra rủi ro và thiệt hại cho khách hàng. Từ đây, nhiều đối tượng đã ôm tiền bỏ trốn.

Điển hình như năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án rúng động dư luận “lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "rửa tiền" xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Hơn 6.700 khách hàng với hơn 2.500 tỷ đồng đã bị Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm lừa của khách hàng thông qua những dự án “ma” bằng hình thức phân lô, bán nền, đặt cọc, giữ chỗ.

Từ những cơ sở trên, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Nghị định 76/2015/NĐ-CP về việc phân lô bán nền. Đồng thời, xem xét sửa đổi đồng bộ các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và chế định về thừa phát lại nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, bịt những lỗ hổng thiếu sót để ngăn chặn ngay tình trạng huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng.

Theo Đời sống
back to top