Liều thuốc từ “trái tim blouse trắng”

(khoahocdoisong.vn) - Để lên được điểm khám chữa bệnh, các bác sĩ phải đi bộ mất khoảng nửa ngày đường. Họ chấp nhận bản thân đối mặt với hiểm nguy để mang lại sức khỏe cho người bệnh... Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, họ mang đến người bệnh liều thuốc từ trái tim.

“Sự xa xỉ miễn phí”

Bé Giàng Thị Cố (Lào Cai) bị bệnh tim bẩm sinh thể tím sớm, tức máu không lên phổi trao đổi oxy. Cơ thể luôn trong tình trạng thâm tím. Bệnh của Cố muốn khám chữa phải xuống Thủ đô. Gia đình Cố nghèo khó! Tiền khám còn không có chứ đừng nói đến tiền chữa bệnh.

Khi đoàn tình nguyện đến khám bệnh, phát hiện bệnh lý cũng như hoàn cảnh của em. Các bác sĩ đã “bao” điều trị cho em cùng một bạn bị bệnh tương tự ở huyện khác.

Đoàn cử người đưa đón em và người thân xuống Hà Nội, tìm nơi ăn chốn ở, khám và mổ tim. Tất cả đều miễn phí. Sau ca phẫu thuật, da em đã khác hẳn: hồng hào, tươi tắn. Cố trở nên xinh xắn hơn rất nhiều.

Mơ Phố - hiện thực hóa các giấc mơ!

Tại quán cà phê Mơ Phố (Yên Lãng, Hà Nội), một ban nhạc rất chuyên nghiệp được thành lập với tay chơi đàn ghi ta, piano, sáo, tì bà... cùng ca sĩ với giọng hát khoẻ.

Nhưng khác hoàn toàn các ban nhạc khác trên thị trường, các bạn đều khiếm thị và được đào tạo bài bản từ Nhạc viện ra. Ban nhạc biểu diễn định kỳ tại đây cũng như theo các đoàn tình nguyện lên các vùng sâu, vùng xa phục vụ các đồn biên phòng và bà con.

Cũng tại quán cà phê này, vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần, mọi người có thể đến siêu âm, tư vấn bệnh lý miễn phí từ các bác sĩ có chuyên môn hiện đang làm việc trong các bệnh viện trong Hà Nội. Lịch siêu âm các bệnh như tuyến giáp, ổ bụng, phụ khoa, tiền liệt tuyến... được công bố rộng rãi.

Hay như các chương trình dạy trẻ cách sơ cứu đơn giản khi gặp các sự cố như bỏng, cháy... hoàn toàn miễn phí cũng được các chuyên gia, bác sĩ tổ chức thường xuyên tại quán cà phê Mơ phố. Bởi hơn ai hết, các bác sĩ hiểu, không phải khi nào trẻ cũng có người lớn bên cạnh. Nếu xảy ra sự cố, các con tự xử lý đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương rất nhiều lần.

“Lấp đầy vùng trũng y tế”

Trường hợp của bé Giàng Thị Cố (Lào Cai) chỉ một ca bệnh điển hình được điều trị từ A - Z miễn phí. Đây là các hoạt động thường xuyên của Hội bác sĩ tình nguyện, nơi BS Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 làm Trưởng ban Chủ nhiệm. Quán cà phê Mơ phố là nơi Hội Bác sĩ tình nguyện kết nối với bệnh nhân.

Chia sẻ về công tác tình nguyện, BS Ngô Tuấn Anh cho hay, anh thành lập hội năm 2015, sau gần 10 năm tham gia từ các đơn vị tình nguyện khác nhau. Khác với nhiều đơn vị, Hội Bác sĩ tình nguyện đầy đủ các con dấu, hoạt động được cấp phép và được nhiều bác sĩ tham gia, ủng hộ như các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Saint – Paul... Thường kỳ khoảng 1 tháng mỗi lần, các bác sĩ sẽ đi tiền trạm, đến các địa phương là vùng khó khăn, “trũng y tế”, vùng sâu vùng xa để khám chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc không phí...”, BS Ngô Tuấn Anh nói.

“Bên cạnh khám và phát thuốc, giáo dục sức khoẻ, chúng tôi mời các thầy cô có kinh nghiệm để tổ chức thêm chương trình “Sách cho em” với mục đích tặng sách, truyện, đồ dùng học tập... Đồng hành cùng giáo viên để thổi lên ham muốn đọc sách, ước mơ cho con trẻ qua trang sách đó. Cùng một công đi thiện nguyện, chúng tôi tổ chức 4 chương trình nhỏ cho bà con. Mỗi chương trình sẽ có người phụ trách riêng biệt để thực sự hiệu quả”.

Vậy tốt cho bà con quá!

Ngồi trò chuyện thật lâu, BS Ngô Tuấn Anh mới chia sẻ thêm cùng chúng tôi những câu chuyện xoay quanh việc thiện nguyện. Bởi anh sợ, khi nói ra, nhiều người không hiểu lại nghĩ rằng anh cũng như các thành viên trong Hội đang truyền thông cho cá nhân. Sự cẩn trọng trong con người bác sĩ này không chỉ áp dụng trong chuyên môn mà ngay cả hoạt động Hội như chúng tôi nghe về anh trước đó.

BS Ngô Tuấn Anh tâm sự, dù Hội Bác sĩ tình nguyện có con dấu, giấy phép hoạt động cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn tốt nhưng không phải đi tình nguyện luôn được chào đón. Nhiều lần đi tiền trạm đến các vùng sâu vùng xa, các địa phương và bà con... đuổi đoàn tiền trạm.

Họ đã tiếp nhiều đoàn tình nguyện cũng khám bệnh miễn phí. Nhưng sau đó lợi dụng người dân để... bán thuốc với giá cao. Chỉ khi đưa những giấy tờ, trình bày đầy đủ các chương trình, địa phương mới thốt lên: Vậy tốt cho bà con quá!

Nhưng BS Ngô Tuấn Anh cũng cho hay, không phải bà con sợ bị lợi dụng. Hội cũng sợ bị lợi dụng để quảng cáo sản phẩm, thậm chí là nơi tuồn các thuốc gần hết hạn sử dụng.

“Một công ty dược phẩm khá nổi tiếng đồng ý hỗ trợ sản phẩm dự phòng u xơ tiền liệt tuyến với giá trị 2 triệu đồng/hộp, một túi quà 3 hộp, tương đương 6 triệu đồng. Đến phút cuối, chúng tôi phát hiện thuốc còn hạn sử dụng đúng 3 tháng.

Nếu người dân uống đều mỗi ngày 1 viên, viên cuối sẽ là ngày đó. Với hạn này thuốc không thể bán ngoài thị trường. Để tiêu hủy tốn kém như quy trình sản xuất thuốc nên mất chi phí và công sức nhiều.

Việc làm này khiến chúng tôi thấy bị lợi dụng vào mục đích khác bên cạnh sự thiện nguyện của công ty.  Lúc đó, Hội mới thành lập, chưa hoàn thiện. Từ sự việc này, chúng tôi luôn đưa ra phương châm: Phải tự chủ về kinh tế để không phụ thuộc vào nguồn tài trợ, không bị lợi dụng hay ép quảng cáo. Cũng chính vì lý do này, tôi nghĩ đến thành lập quán cà phê Mơ phố. Đây không chỉ là quán cà phê, kinh doanh giải khát đơn thuần, mà còn là nơi kết nối, tổ chức nhiều hoạt động nhằm mục đích gây quỹ hoạt động...”, vị Chủ tịch Hội nói.

Kỷ niệm vui chỉ gắn liền cùng bệnh nhân, bà con

BS Ngô Tuấn Anh cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm vui. Nhưng tất cả các kỷ niệm đó đều xoay quanh công tác khám chữa bệnh thiện nguyện của anh.

Một bệnh nhân bị u mỡ trước trán đã 50 - 60 năm nay. Dù ngay trên mặt và rất to, nhưng người bệnh chưa bao giờ nghĩ đi mổ. Với dụng cụ nghề trong túi, Hội Bác sĩ thiện nguyện đã mổ cho bệnh nhân trong khoảng 10 phút. Sau khi mổ, bệnh nhân rất phấn khởi, vui vẻ. Hay, khi bà con vùng xa xem ban nhạc biểu diễn, thấy được sự vượt lên khiếm khuyết của bản thân để thành công, sự chào đón và chia sẻ của họ khiến đoàn rất vui.

Khi chúng tôi hỏi, việc thiện nguyện có ảnh hưởng đến công việc khám chữa bệnh của anh cũng như các bác sĩ khác tại bệnh viện, BS Ngô Tuấn Anh cho hay: Các hoạt động của Hội mọi người chỉ áp dụng vào cuối tuần và ngày nghỉ vì thế không liên quan, ảnh hưởng công việc của bất cứ ai. Hơn nữa, Hội luôn có sự phân công, chia sẻ, thay thế công việc khi cần thiết. Điều này cũng tránh tình trạng phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.

Dù ngoài trời gió lạnh thấu xương, nhưng bảo, cái lạnh hay mưa gió không ngăn được đoàn đến gần bà con, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo Đời sống
back to top