Lê Văn Hưng – cái chết của sự trung thực

Lê Văn Hưng – cái chết của sự trung thực. Ông

Hình minh họa.

Từ lính mộ đến đề đốc                                     

Lê Văn Hưng xuất thân trong một gia đình nghèo ở Kiên Dõng huyện Tuy Viễn nay là xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Vì nhà nghèo khó, cha mẹ đau yếu luôn, nên ngay từ nhỏ ông phải chăn trâu cắt cỏ thuê để kiếm sống, làm việc cật lực để kiếm tiền thuốc thang cho cha mẹ, do đó ít được học hành.

Nhưng ngay từ lúc này, ông đã tỏ ra là người nhanh nhẹn, dũng cảm và sức khoẻ thì “đánh bại 10 trẻ chăn trâu” trong vùng. Ông được một vị sư ở Thiên Thai Tự truyền đạt võ nghệ và ông đã tập hợp bạn bè trai tráng quen thân, tổ chức thành toán cướp chuyên đi đánh cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo ở Phú Yên và các huyện xa.

Sau vì đánh chết một tên cường hào ức hiếp dân, nên Hưng bị tầm nã phải trốn lên tận An Khê, Bình Định rồi nhân cơ hội đó gia nhập Tây Sơn của Nguyễn Nhạc.

Buổi đầu ứng nghĩa, Hưng chỉ là lính mộ. Sau ông được cử làm đội trưởng rồi được thăng dần lên. Khi Nguyễn Nhạc xưng vương năm 1773, ông mang hàm Đề đốc đứng sau Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng kéo quân ra chiếm huyện lị Bồng Sơn và Phù Ly rồi cùng tiến đánh thành Quy Nhơn.

Mùa đông năm ấy, Lê Văn Hưng theo Chinh nam Đại tướng quân Ngô Văn Sở vào đánh chiếm ba phủ Phú, Diên, Bình. Sau khi đại thắng, Lê Văn Hưng được cử trấn thủ đất Diên Khánh.

“Lê vô địch”

Mùa thu năm Giáp Ngọ 1774, viên lưu thủ đất Long Hồ trong Nam là Tống Phước Hiệp cử đại binh ra đánh Tây Sơn. Quân nhà Nguyễn đánh chiếm Bình Thuận rồi tiến ra Diên Khánh, Trấn thủ Lê Văn Hưng đem binh cự địch.

Sau nhận thấy địch có quân đông và có trọng pháo yểm trợ, liệu không thắng nổi bèn bỏ thành trống, rút toàn lực lượng về Phú Yên, hợp cùng Nguyễn Văn Lộc chống địch. Quy Nhơn được cấp báo, Nguyễn Huệ kéo quân giải vây, hai bên liên lạc với nhau cùng hợp lực công kích hai đầu, đánh tan thuỷ bộ binh của Tống Phước Hiệp, buộc Tống Phước Hiệp phải bỏ chạy về Gia Định. Lê Văn Hưng lại trở vào trấn thủ Diên Khánh.

Năm Mậu Tuất 1778, Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thành Sài Côn rồi sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận. Từ khi Lý Tài làm phản, Bình Thuận giao cho Lê Văn Hưng kiêm nhiệm trấn thủ, nên bị mất dễ dàng.

Nhưng khi ra đến Diên Khánh, thì bị Lê Văn Hưng chặn đánh phải lui vào Bình Thuận. Lê Văn Hưng truy kích đánh cho một trận tơi bời. Lê Văn Quân kéo tàn quân chạy về Gia Định, từ ấy quân nhà Nguyễn rất sợ Lê Văn Hưng. Thậm chí giáp mặt ngoài chiến trường, quân của Nguyễn Phúc Ánh còn gọi trộm quan trấn thủ Lê Văn Hưng là “Lê vô địch”.

Cuối năm Canh Tý 1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng vương, năm sau cử binh đánh Diên khánh. Tôn Thất Dụ kéo binh từ Bình Thuận ra đến Diên Khánh chưa kịp hạ trại đóng quân đã bị Lê Văn Hưng cho đoàn voi chiến xông trận.

Đoàn voi này do tướng Bùi Thị Xuân huấn luyện rồi tăng phái cho Lê Văn Hưng một đội thiện chiến để phòng bị mặt Nam. Quân nhà Nguyễn vốn đã sợ uy danh Lê Văn Hưng  nay lại thấy đoàn voi dũng mãnh ào ạt tiến đến dầy xéo nên khiếp đảm, rùng rùng bỏ chạy. Do vậy quân nhà Nguyễn chưa đánh đã tan.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top