Lê Sát và cái chết của vị công thần khai quốc – kỳ 3: Quên phòng hậu họa

Quên phòng hậu họa lại

Hình minh họa.

Mải mê với quyền lực

Sự ghét bỏ của vua Thái Tông đối với Lê Sát càng ngày càng rõ, rất tiếc là Lê Sát nhận biết điều này quá chậm, ông mải mê, say sưa với quyền lực mà quên cả việc đề phòng hậu họa.

Tháng 6/1437, Thái Tông bàn với các cận thần muốn triệu Trịnh Khả là người từng bị Lê Sát đuổi ra làm quan ở ngoài về kinh giữ chức Đồng tổng quản, cầm cấm binh để kiềm chế bớt quyền hành của ông.

Lê Sát chưa biết ý định của Thái Tông với mình, lại vào triều tâu: Nếu Trịnh Khả được vào hầu trong cung cấm, thì sợ sẽ làm hại thần.

Thái Tông im lặng, mấy hôm sau, các cận thần của vua làm sớ tâu Lê Sát chuyên quyền, tội không thể dung tha được. Vua nhận sớ tâu, sai bắt ông, giao cho hình quan xét hỏi.

Lê Sát tâu rằng: nay buộc cho thần cái tội chuyên quyền, tội của thần do tiên đế ban cho. Lê Văn Linh và Lê Ngân muốn tâu đỡ tội cho ông, nhưng Thái Tông không nghe, hạ chiếu nói:

“Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen người tài, giết Nhân Chú để tự ra oai của mình, truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng.

Xem những việc làm ấy đều không phải là đạo làm tôi. Nay muốn khép vào luật hình để tỏ rõ phép nước, song vì là đại thần cố mệnh, có công với nhà nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước.”

Sau đó Thái Tông sai bắt giam người cùng phe Lê Sát là Đặng Đắc, cho Bùi Ư Đài được phục chức, triệu Bùi Cầm Hổ về kinh, cử Tư khấu Lê Ngân thay Lê Sát chấp chính.

Lê Sát hận Lê Ngân lấy mất chức của mình, nuôi nhiều võ sĩ như Lê Thảo, Lê Khản và Lê Khắc Hài, định dùng làm thích khách để mưu giết Lê Ngân. Việc đó nhanh chóng bị bại lộ.

Công thần cũng không thoát tội

Tháng 7/1437, Lê Thái Tông ra lệnh phế truất con gái ông là Nguyên phi Lê Ngọc Dao làm dân thường, rồi ra chiếu kết tội Lê Sát và những người cùng cánh. “Tội của Lê Sát đáng phải chết, không thể dung thứ được…

Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Sát định hại xã tắc thì chém bêu đầu; Nguyễn Gia Mô biết chuyện mà không tố cáo thì phải lưu đày nơi xa. Còn bọn Lê Văn Linh, Lê Lĩnh, Lê Thụ, Lê Ê, Lê Hiêu đều nên theo luật trị tội, nếu gặp ân xá cũng không được tha.

Lê Bang là con rể Lê Sát,… nên lưu đày nơi xa… Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, mưu hại người trung lương, mưu kế gian giảo, đáng chém để rao.” Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ can, Lê Sát là công thần, không nên chém rao, vì vậy Thái Tông ra lệnh cho ông tự tử tại nhà.

Tháng 7 năm 1437, Lê Sát tự vẫn chết tại nhà. Vợ con và điền sản của ông bị tịch thu. Những người cùng phe hoặc từng nói đỡ tội cho ông cũng bị phạt: Tham đốc Lê Văn Linh bị giáng xuống làm Tả bộc xạ; Điện tiền đô kiểm điểm Lê Ê bị giáng xuống làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa. Hai người cùng bị truy đoạt tấm biển “công thần” được ban cho từ thời Lê Thái Tổ.

Đến năm 1453, dưới triều vua Lê Nhân Tông, nhà vua mới cho ông là bị tội oan, bèn cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng để thờ tự. Năm 1484, đời vua Lê Thánh Tông, Lê Sát được truy tặng là Thái Bảo, Cảnh Quốc Công.

Đền Ngọc Lan thuộc quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh  cách Thành phố Thanh Hoá 51 km về phía tây bắc, thuộc xã Xuân Lam – huyện Thọ Xuân, được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là khu di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Đền hiện thờ Công chúa Ngọc Lan và bảy vị Công thần Khai quốc của nhà Lê là đại thần Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Lý, Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng.

   TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top