Lê Hiến Phủ - phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt - kỳ 3: Bốn chữ đồng

(khoahocdoisong.vn) - Bốn chữ đồng của anh em Lê Hiến Phủ, Lê Hiến Tứ: đồng sinh, đồng liêu, đồng khoa và đồng tử, một trường hợp hiếm có trong lịch sử Việt Nam

Di tích đền thờ hai vị đại khoa

Di tích Đền Thượng Lao và đền Xối Thượng, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực là nơi thờ hai vị đại khoa thời Trần: Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ.

Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử và một số thư tịch cổ còn lưu giữ tại di tích, đặc biệt là cuốn Ngọc phả “Sự tích hai vị đại khoa thời Trần” được Phó bảng Đỗ Huy Uyển chép lại vào niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848) thì đền Thượng Lao và Xối Thượng ngày nay là nơi ở cũ của hai vị đại khoa cùng gia đình thuở sinh thời.

Sau khi hai ông mất, nhà vua cho phép nhân dân địa phương tu sửa thành ngôi đền thờ để tri ân công đức. Vì vậy đền Thượng Lao và đền Xối Thượng còn bảo tồn được những giá trị lịch sử đầu tiên mang ý nghĩa tưởng niệm sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của hai vị đại khoa.

Lăng Lê Hiến Giản được xây dựng từ đời vua Thành Thái năm thứ nhất (1889). Tương truyền khi hai ông mất, bốn mỹ nữ theo hầu vì quá thương tiếc nên đã tự gieo mình xuống con ngòi tuẫn tiết, nhân dân đặt tên con ngòi là “Mỹ nữ hàn khê” (Ngòi mỹ nữ).

Tại nghi môn đền Thượng Lao có đôi câu đối viết về sự kiện này: Trinh tầm bất dẫn Đào giang thủy - Thắng tích do truyền mỹ nữ khê (Tấm lòng son sắt giữ gìn cùng nước Đào giang còn chảy mãi - Di tích tốt đẹp còn truyền kia khe mỹ nữ vẫn nêu tên).

Trong tâm thức của nhân dân địa phương, hai vị đại khoa không chỉ là những vị quan văn võ song toàn, trung nghĩa đối với nhà Trần mà các ông còn được suy tôn là “bậc thánh”. Đó là Đức thánh cả Lê Hiến Giản, Đức thánh hai Lê Hiến Tứ. Quan niệm này cũng được truyền tụng lại và ghi nhiều trong sử sách: Đời Hậu Trần (1407-1414) Giản Định đế truy phong tước vương cho Lê Hiến Giản và Lê Hiến Tứ là: “Nhất tự tịnh kiện vương”.

Bốn chữ đồng

Tương truyền vào năm Bính Ngọ (1426) Bình Định vương Lê Lợi, khi tiến quân ra Bắc qua vùng Thượng Lao, được hai ông báo mộng. Năm 1428, khi dẹp xong giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua đã ban sắc phong cho hai ông là: “Thượng đẳng phúc thần” và thờ làm Thành hoàng.

Thời vua Lê Chiêu Tông bị nhà Mạc cướp ngôi, Thái tử Duy Ninh cùng Thái úy Nguyễn Kim đem quân đóng ở trước đền, đêm nằm mơ thấy thần dâng mũ ngọc xin giúp việc quân về sau quả ứng nghiệm. Khi Thái tử lên ngôi vua (Lê Trang Tông) gia phong cho Lê Hiến Giản bốn chữ “Quan phục linh ứng”.

Đến thời Nguyễn, xét hai ông trung nghĩa và cả nước chưa có ai như hai ông đạt bốn chữ “ đồng” là: đồng sinh (cùng sinh một ngày); đồng khoa (cùng đỗ một khoa); đồng liêu (cùng làm quan một triều); đồng tử (cùng chết một ngày), vì vậy nhà Nguyễn ban "quốc tế" vào những ngày mở hội lớn, nhân dân địa phương dựng rạp trước cửa đền để quan tỉnh vâng mệnh về tế, khu đất ấy có tên là “Áng quan”.

Chuyện về “Đức thánh cả” “ Đức thánh hai” giúp Bình Định vương Lê Lợi và vua Lê Trang Tông đánh thắng giặc hẳn là một biến thể của niềm tin và kính phục của người đời đối với hai vị đại khoa không riêng gì ở Thượng Lao, Xối Thượng mà còn ở Xối Tây, Xối Trì xã Nam Thanh, đền Thánh Cả ở Trung Đông, Trực Ninh; đền Bình An, Phú Cường, Gia Viễn, Ninh Bình…

Việc tế lễ trước đây được diễn ra vào ngày hai ông mất (12/12), nhân dân đã làm lễ rước thánh vị của hai ông ở các nơi về đền chính “Đức thánh cả” Thượng Lao hợp tế.  Với những giá trị lịch sử, văn hoá, đền Thượng Lao, Xối Thượng đã được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia năm 2001.

Theo Đời sống
back to top