Lễ chùa đầu năm: Tâm sáng, không gắn lợi danh

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt, thế nhưng đi lễ chùa sao cho đúng, sắm lễ ra sao, nên bắt đầu từ đâu và trình tự như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Tâm xuất, Phật biết

Căn cứ theo các di tích lịch sử đình chùa xưa và tư liệu để lại đời Hậu Hán, sách Đại Tạng Kinh… cho thấy, Phật giáo Việt Nam được du nhập từ Thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Hình thành từ Thế kỷ thứ I, đầu kỷ nguyên Tây lịch. Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ sang Giao Chỉ, khác với nhiều tư tưởng cho rằng được truyền thừa từ Trung Quốc.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáo chính của nước ta và đi lễ đầu năm là một nét đẹp văn hóa. Người dân cầu mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc.

Không chỉ vậy, ngày nay, nhiều người coi việc đi chùa đầu năm là một hình thức vãn cảnh, đến nơi thanh tịnh để bỏ bớt ưu phiền, lo lắng sau một năm bôn ba, ngược xuôi vất vả.

le-chua.jpg
Giữa mùi khói nhang, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, trút bỏ được bao phiến muộn của cuộc sống.

Có thể hằng tháng, hằng năm người ta đi lễ chùa, nhưng không phải ai cũng biết cách lễ sao cho đúng. Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc, đầu tiên đi lễ là sắm lễ nhưng không cần cầu kỳ vì lễ Phật thì chỉ cần hương, hoa, trà… không có thì chúng ta thành tâm.

“Đối với Đức Phật, chúng ta nghĩ gì ngài đều biết cho nên không cần phải khấn nhiều. Trong đạo Phật chỉ có nguyện làm lành, tu đạo giải thoát, nguyện diệt khổ và nguyện có ích cho đời, cho chúng sinh... đó đều là những điều quan trọng nhất”, vị hòa thượng giảng giải.

Ngoài ra, Hòa thượng Thích Thanh Nhã nhận thấy nhiều người đi cầu lấy danh vọng. Nhưng đạo Phật là diệt tham, sân, si.

Tham chính là tham lam, ham muốn thái quá. Nếu có tâm tham thời phải tu tâm ngay, phải tập tính muốn ít và biết đủ. Như vậy, chúng ta sẽ có một đời sống giản dị, thanh cao và an toàn vì biết đủ với những thứ mình đã có.

Sân có nghĩa là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù.

Si đó chính là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh là không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải. Do đó, cần loại để trở thành người trong sạch, có hiểu biết.

Ngoài ra, theo trụ trì chùa Trấn Quốc, thông thường khi vào lễ chùa, nhiều người dân không biết nên khấn ở đâu trước, khấn ở đâu sau. Thông thường gian giữa các chùa sẽ là Tam bảo. Tam bảo có Phật, Pháp, Tăng, do đó, người dân đi lễ chùa chỉ cần nhất tâm Nam mô a di đà phật.

“Niệm ở đây là chính niệm, thì công đức vô lượng, vô biên. Đối với tòa Tam bảo nhiều tượng pháp, nhiều Phật được cúng lễ. Trong khi thời gian có hạn, người dân đến lễ chỉ cần hướng vào đó cầu khấn, niệm Phật. Niệm một cách chính niệm, không cần biết từng vị Phật pháp ở trên. Phật hiểu thấu nỗi lòng trần”, trụ trì chùa Trấn Quốc nói.

Có nên rải tiền lẻ?

Ngoài vấn đề sắm lễ, cầu khấn, nhiều người dân đi lễ chùa còn có thói quen rải tiền lẻ, nhất là tại các đình, đền. Từ gốc cây, gốc đá, trên tay tượng Phật, ném xuống giếng…

le.jpg
Nhiều người đi lễ chùa đầu năm để vãn cảnh chùa, trở về chốn thiêng liêng, thấy lòng bình an.

Trong tâm niệm mỗi người đó là tiền giọt dầu, hương hoa, thành tâm gửi Phật để mong ngài chứng lễ. Nhưng theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, tiền mọi người hay rải là tiền ở trần gian chi dùng chứ không phải tiền để dâng, để cúng.

“Nhân dân không hiểu nên rải khắp nơi, cách làm này chỉ khiến cho những người buôn bán nhỏ ở ngoài cổng đền, đình, chùa kinh doanh tiền lẻ, làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của các nơi thờ tự. Ngoài ra, còn tiếp tay cho các hành vi phi pháp”, trụ trì nói.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã cũng cho rằng thay vì rải tiền lẻ ở khắp nơi, người dân có thể để vào các hòm công đức, nhà chùa sẽ dùng tiền đó để cầu khấn cho muôn dân hoặc đi làm từ thiện.
Quan trọng, việc đi lễ là tâm nguyện mỗi người, thành tâm hướng Phật. Tâm xuất, Phật biết. Đó là tín ngưỡng tốt đẹp để người dân có chỗ dựa tâm linh giữa bộn bề của cuộc sống.

Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên hoặc cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Có lẽ giữa mùi khói nhang, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, trút bỏ được bao phiền muộn.

Không những thế, nhiều người dân đi chùa còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện hạnh phúc, thành công, con cái đỗ đạt.

Đặc biệt, tiếng chuông chùa ngân vang giữa đất trời, khói nhang quyện tỏa thơm dịu nhẹ và những nụ cười nơi cửa Phật… tất cả đã tạo nên không khí đặc biệt, khó quên.

“Đi lễ chùa đầu năm để cầu may mắn, suôn sẻ, bình an, mong điều lành sẽ đến, điều dữ sẽ đi. Đi lễ chùa thì theo tâm sáng, không nên gắn lợi danh. Điều này sẽ giúp cho tâm được thanh thản, nhẹ nhàng, sống với mọi người hòa thuận, yêu thương nhau, không bon chen, không đố kỵ… Đi lễ cầu cho gia đình an vui, an lành, đồng thời cầu cho nước mạnh, dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc", Nhà ngoại cảm Lê Mạnh Cường, thành viên Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người chia sẻ.

“Đi lễ chùa đầu năm để cầu may mắn, suôn sẻ, bình an, mong điều lành sẽ đến, điều dữ sẽ đi. Đi lễ chùa thì theo tâm sáng, không nên gắn lợi danh. Điều này sẽ giúp cho tâm được thanh thản, nhẹ nhàng, sống với mọi người hòa thuận, yêu thương nhau, không bon chen, không đố kỵ… Đi lễ cầu cho gia đình an vui, an lành, đồng thời cầu cho nước mạnh, dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc", Nhà ngoại cảm Lê Mạnh Cường, thành viên Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người chia sẻ.

Theo Đời sống
back to top