Lấy xong ổ giun lươn đã hết bệnh?

Giun lươn không chỉ biểu hiện trên da, trong đường tiêu hóa mà còn di chuyển đến các cơ quan, phủ tạng khác như não, phổi, vào máu... gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Hỏi: Tôi bị một khối u ở chân, khi phẫu thuật lấy u thì thấy giun bò ra và kết quả xét nghiệm là giun lươn. Xin hỏi, giun dưới da đã được lấy ra vậy tôi đã hết bệnh chưa?

Đỗ Xuân Mạnh (Hòa Bình)

giun-luon.jpg
Giun lươn biểu hiện trên da.

GS.TS Nguyễn Văn Đề, giảng viên Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội: Giun sán dưới da tuy nhìn đáng sợ nhưng không đáng ngại bằng những biểu hiện thầm lặng bên trong. Thực tế, các loại ký sinh trùng đào hầm dưới da thường gây các bệnh lý khác nguy hiểm hơn trong cơ thể.

Giun lươn ký sinh trong ruột non và tá tràng, có thể chui vào niêm mạc ruột, gây ra những tổn thương niêm mạc ruột, tá tràng, làm rối loạn tiêu hóa hoặc gây tình trạng viêm ruột mạn tính (dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh Crohn), có thể gây viêm tá tràng hoặc gây lỵ. Giun lươn có thể nổi trên da hoặc gây dị ứng nghiêm trọng…

giun-luon-1.jpg
Vòng đời của giun lươn.

Giun lươn là một bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bởi giun lươn không chỉ gây viêm ở hệ thống tiêu hóa, khi đẻ trứng ở đó có thể gây biến chứng viêm ruột, tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn đường mật.

Đặc biệt, nguy hiểm khi giun lươn di chuyển đến các cơ quan, phủ tạng khác như lên não gây: viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết não…; vào phổi gây: viêm phổi, áp-xe phổi, xuất huyết phổi...; vào máu gây nhiễm trùng huyết…

Đây là tổn thương nặng nề, nguy hiểm và tử vong nhiều nhất. Trường hợp của bạn đã phẫu thuật khối u và lấy được giun nhưng chưa thể biết giun còn trong cơ thể hay không? Vì vậy, để xác định bạn cần đi làm xét nghiệm, tránh tình trạng giun còn ở nơi khác gây hại cho cơ thể.

Theo Đời sống
back to top