Lạng Sơn: Động lực kinh tế vùng biên

(khoahocdoisong.vn) - Tỉnh Lạng Sơn sẽ phấn đấu để sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc.

10 năm xây dựng Khu kinh tế

Kinh tế cửa khẩu tiếp tục khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lạng Sơn, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. 

Đây là 1 trong 6 nội dung quan trọng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ 17 đặt ra.

Kể từ khi Quyết định số 55/QĐ/TTg ngày 28/4/2008 về Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được Thủ tướng phê duyệt, Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đang dần trở thành một trong 4 trục kinh tế trọng điểm Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Nghị quyết số 22 ngày 3/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã định ra con đường để các cấp, các ngành cụ thể hóa Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng và kiến thiết, hạ tầng ở khu vực cửa khẩu này ngày càng hoàn thiện với nhiều hạng mục, công trình phục vụ hoạt động XNK, hệ thống bến bãi... được đầu tư bài bản. Đặc biệt, cuối năm 2017, công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua mốc 1119 - 1120 đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập cảnh, XNK hàng hóa tăng lên rõ rệt. 

Hiện Khu kinh tế cửa khẩu đang thu hút hơn 130 dự án trong nước (chiếm 31% tổng dự án của cả tỉnh) và 21 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực (chiếm 66% tổng dự án đầu tư nước ngoài cả tỉnh) với tổng vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD. Các dự án đã và đang được triển khai thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu kinh tế.

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 5,5 tỷ USD, bình quân hằng năm tăng 6,1%, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu giảm 1,6%.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn vẫn đạt gần 2 tỷ USD, đạt 63,6% kế hoạch, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu ước đạt 690 triệu USD, đạt 51,5% kế hoạch, tăng 13,1%; nhập khẩu ước đạt 1.270 triệu USD, đạt 73% kế hoạch, tăng 62,8%. Hàng địa phương xuất khẩu 61 triệu USD, đạt 46,9% kế hoạch, tăng 27,1% so với cùng kỳ.

Cửa ngõ thông thương hàng hóa ASEAN 

Trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ 17 xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế cửa khẩu của Lạng Sơn là xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới, như hệ thống đường giao thông, các bến bãi, dịch vụ logistics để có thể triển khai nhanh mạnh việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông tạo sự thông suốt giữa các khu chức năng; xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại. 

Tập trung phát triển các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu: Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất I, dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc Khu phi thuế quan (giai đoạn I)... Nghiên cứu, xem xét xây dựng hình thành các Khu thương mại - công nghiệp thuộc các khu vực cửa khẩu: Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng; Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình; Bình Nghi, xã Đào Viên, huyện Tràng Định.

Duy trì hiệu quả cơ chế trao đổi thông tin, tiếp xúc, hợp tác với lực lượng chức năng phía Trung Quốc để cùng tháo gỡ, giải quyết nhanh chóng các vấn đề vướng mắc phát sinh, nhất là trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thực hiện các thỏa thuận, đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để thí điểm mô hình thông quan “Một cửa, một điểm dừng” đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Nghiên cứu, phối hợp với phía Trung Quốc vận hành có hiệu quả mô hình “luồng xanh thông quan nhanh” và “cửa khẩu kiểu mẫu”. Tiếp tục trao đổi, phối hợp với phía Trung Quốc để hoàn chỉnh các thủ tục quy định, báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc) lên thành cửa khẩu song phương (cửa khẩu chính). Đấu nối đường giao thông tại cặp cửa khẩu Pò Nhùng (Việt Nam) - Ái Dầu (Trung Quốc).

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, với những kết quả khả quan đã và đang đạt được, cùng sự nỗ lực và phấn đấu của các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn trong đẩy nhanh phát triển kinh tế cửa khẩu, Lạng Sơn sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế, khu vực trung chuyển hàng hóa, đầu mối xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là cửa ngõ thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Theo Đời sống
back to top