Làng hầu đồng lớn nhất Bắc Bộ

Con đường liên xã Mộc Nam mạn hữu sông Hồng luôn trong tình trạng tắc nghẽn vì hàng nghìn chiếc ô tô cùng đoàn người rậm rịch kéo về đền Lảnh Giang (Duy Tiên – Hà Nam) để hầu thánh cầu an. Những cô đồng cùng con nhang đệ tử sặc sỡ trong những bộ đồ hầu thánh, tiếng cung văn lúc thảng lúc hoặc suốt đêm ngày rền rĩ tạo cho Lảnh Giang thành một làng quê đặc biệt nhất miền Bắc.

Cổng đền Lảnh Giang.

Làng của những “đồng cô bóng cậu”

Đền Lảnh Giang cổ kính nằm mạn hữu của bờ sông Hồng trù phú. Ngôi đền ấy liên tục được tu sửa nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ như thời mới lập, những tán cây cổ thụ xòe bóng rộng che khuất khiến người lạ vào làng có cảm giác lành lạnh.

Ông Đặng Văn Bằng – Trưởng ban Văn hóa xã Mộc Nam cho biết: “Lảnh Giang là nơi quy tụ nhiều hầu đồng nhất khu vực miền Bắc. Hầu như ngày nào cũng có giá hầu đồng, con nhang đệ tử kéo đến rất đông…”

Cũng theo ông Bằng, số lượng người ở Mộc Nam tham gia việc hầu thánh khá nhiều. Có khi lên tới hàng trăm người, còn vào những dịp lễ hội diễn xướng hầu đồng thì không đếm xuể…

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực xã Mộc Nam nói chung và đền Lảnh Giang nói riêng được nhiều người gọi thân mật là làng hầu đồng, làng quy tụ khá nhiều “đồng cô bóng cậu” nổi tiếng mà bất cứ ai am hiểu về lễ xướng hầu thánh đều biết tới.

Trong số đó phải kể đến “cô Hậu”. Tất nhiên, nhìn bề ngoài “cô Hậu” là đàn ông. Khi tiếp xúc với phóng viên, “cô Hậu” rất thành thật: “Tôi năm nay 49 tuổi đời thì đã 40 năm hầu thánh, đó là căn số của mình thì mình phải phục vụ…”

“Cô Hậu” cho biết, hầu thánh từ năm lên 9 tuổi, học cấp III rồi thi trượt ĐH, nhập ngũ nhưng ốm đau liên miên không thể tiếp tục. Khi xuất ngũ, “cô Hậu” lại tiếp tục hầu thánh cho đến bây giờ. Với thâm niên 40 năm hầu thánh nên “cô Hậu” được UBND xã Mộc Nam giao cho việc quản lý và chủ trì các cuộc hầu đồng tại đền Lảnh Giang.

Ngoài “cô Hậu”, Lảnh Giang còn rất nhiều “cô” khác phục vụ việc hầu thánh cũng như các lễ diễn xướng hầu đồng mà người dân có nhu cầu.

Một buổi hành lễ.

Bí ẩn làng hầu thánh

Làng hầu thánh từ lâu đã mang nhiều giai thoại khá bí ẩn xoay quanh ngôi đền cổ Lảnh Giang. Ông Lương Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Mộc Nam cho biết: “Ngôi đền cổ kính này là bảo vật của địa phương, đền Lảnh Giang đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996…”

Một trong những giai thoại bí ẩn ấy hay được người dân kể lại rằng, có đôi vợ chồng ông Túc phúc đức mà tuổi già vẫn chưa có con. Một đêm trăng sáng, vợ ông là bà Ngoạn bỗng gặp một người con gái lang thang cầu thực. Bà Ngoạn động lòng trắc ẩn đem cô về làm con và đặt tên là Quý. Vài năm sau, ông Túc qua đời vì bệnh tật.

Sau 3 năm để tang, Quý ra bờ sông tắm gội thì gặp một con Thuồng Luồng khổng lồ bơi tới quanh 3 vòng bên nàng khiến Quý bất tỉnh. Từ đó, nàng thấy trong mình chuyển động và mang thai. Khi chuyển dạ, Quý sinh ra một cái bọc nên nàng sợ và đem thả xuống sông. Một người tên Minh ở Thái bình đã vớt được cái bọc và rạch ra thì có 3 con rắn lớn trườn bò xuống dòng sông.

Cũng trên mảnh đất Lảnh Giang này, câu chuyện về mối tình Tiên Dung – Chử Đồng Tử từ ngàn xưa còn vọng đến hôm nay

Ngay đến kiến trúc đến cách bài trí ban thờ ở đền Lảng Giang cũng mang nhiều bí ẩn không giống bất kì đâu. Từ khi ngôi đền được xây dựng từ thời Lý với 3 tòa 14 gian kiểu chữ Công. Trên nóc mái và các đầu đao được trang trí bằng đầu rồng đắp nổi, mặt nguyệt và lá lật cách điệu.

Phía trước tam quan là hồ bán nguyệt, nước hồ phẳng lặng như bàn ngọc thạch bày lên những đóa hoa súng đỏ tươi. Giữa hồ ngọn bảo tháp đứng trầm mặc được nối với tam quan bằng chiếc cầu cong tạc hình lưỡi long hướng địa ẩn hiện bóng cây si hàng ngàn năm tuổi.

Nói về kiến trúc độc đáo mang phần huyền bí của đền Lảnh Giang, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật VN khẳng định: “Kiến trúc ấy thể hiện cho văn hóa tâm linh… UNESCO cũng quan tâm đến tính chất lâu đời và những giá trị sáng tạo mang tầm nhân loại của di sản…”

Lễ vật chuẩn bị diễn xướng hầu đồng.

Đến hẹn lại lên

Như cái nôi của hầu đồng, tại Lảnh Giang việc lễ xướng hầu thánh diễn ra vào tất cả các ngày nếu người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, vào tháng giêng và các tháng 6 đến tháng 8 âm lịch mọi người từ khắp nơi đổ về lễ bái rất đông.

Theo quan niệm, hầu là sự nhập bóng của thần linh và tâm linh của người hầu tạo nên mối giao lưu giữa tâm linh và thần linh. Người hầu có trang phục và lễ phục thích hợp với từng giá hầu. Đồng mặc áo xanh đỏ hay tím múa hát tạo e ấp trong chiếc quạt che nửa mặt.

Khi chúng tôi có mặt tại Lảnh Giang, dù không phải mùa lễ hội nhưng vẫn có giá hầu bóng. Từ phía đầu làng, tiếng trống, thanh la, não bạt, tiếng đàn hát lúc to lúc nhỏ, lúc dồn dập cùng với khói hương nghi ngút cũng là lúc dường như hồn vía các ông đồng, bà đồng nhập vào các vị thần thánh.

Những động tác bắt quyết, xuyên linh, múa cờ, múa kiếm với dáng người lắc lư, quay liên tục từ thấp lên cao… hòa với âm thanh, tiết tấu của nhạc chầu văn tạo nên sự rung cảm hưng phấn lạ thường.

“Cô Hậu” cho hay, người hầu đồng phải biểu phải biểu cảm tính cách các vị thần theo điệu múa. Đặc biệt trong hầu đồng không thể thiếu giọng hát cung văn, mỗi giá đều có cung văn phục vụ trong việc diễn xướng.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền cho biết: “Hầu đồng thuộc tín ngưỡng đặc biệt, trong đó có vai trò âm nhạc được xếp hàng đầu nếu không nói là chính yếu trong tín ngưỡng”.

Thông thường, diễn xướng hầu thánh thường được cử hành vào ban đêm. Nhưng vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch, việc hầu thánh diễn ra suốt đêm ngày với những nghi thức bí ẩn. Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Chí Bền chia sẻ: “Bản chất của hầu đồng là việc người ta mượn thân xác các ông đồng, bà đồng để thần linh của Đạo Mẫu nhập vào nhằm cầu xin tài lộc…”

Đến hẹn lại lên, khi diễn xướng hầu đồng được bắt đầu cũng là lúc đền Lảnh Giang chuyển mình với hàng nghìn con người từ khắp nơi kéo đến. Ông Lương Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Mộc Nam cho biết: “Chính quyền địa phương phải huy động dân quân để giữ trật tự và đảm bảo giao thông cho lễ hội. Đây là một trong những lễ hội lớn với lịch sử lâu đơi được nhà nước công nhận. Đồng thời, đó cũng là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đồng chiêm trũng như Hà Nam..”

Ngoài văn hóa tâm linh của việc hầu thánh, việc lợi dụng hầu thánh để trục lợi hay gây lãng phí cũng là vấn đề mà chính quyền địa phương đau đầu. Một cán bộ xã Mộc Nam xin được giấu tên cho hay, tính trung bình tại Lảnh Giang mỗi năm việc đốt vàng mã lên tới 200 triệu đồng. Có giá lễ riêng đốt mã đã gần trăm triệu, trông thấy mà đau đớn vì quá lãng phí.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top