Lần đầu tiên thực hiện thành công ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu

(khoahocdoisong.vn) - Cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công ca ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu đầu tiên, nâng tổng số ca ghép thận thành công tại bệnh viện lên tổng số 10 ca. 

Chỉ định ghép không cùng huyết thống và nhóm máu rất nghiêm ngặt

Người bệnh được ghép thận là anh Trương Văn N. (sinh năm 1990, quê ở Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa). Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị suy thận giai đoạn cuối do viêm cầu thận mạn từ tháng 7/2014 và đang chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Đây là ca đặc biệt hơn những ca ghép thận thành công trước đó tại bệnh viện bởi người nhận - người cho thận không cùng huyết thống và không cùng nhóm máu. Sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết và chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ pháp lý, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Trung tâm Ghép tạng – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, bệnh nhân được ghép thận thành công.

 Sau hơn 2 tuần theo dõi, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, chức năng thận ghép hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm huyết học, sinh hóa, nước tiểu và các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường,  bệnh nhân đã được xuất viện ngày 24/11/2020.

Bệnh nhân khỏe mạnh và ra viện sau 2 tuần ghép thận.

Bệnh nhân khỏe mạnh và ra viện sau 2 tuần ghép thận.

TS.BS Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu – Trưởng kíp phẫu thuật ghép thận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, khó khăn lớn nhất trong ghép thận là quả thận của người cho đưa sang người nhận phải phù hợp, nếu không, thận ghép sẽ bị đào thải. Vì vậy, công tác xét nghiệm có yếu tố quyết định 50% sự thành công của ca ghép. Có khi phải thử trên 5, 7 người cho mới tìm được 1 quả thận phù hợp. Trên nguyên tắc người cho thận sẽ trải qua các khâu xét nghiệm để tìm hiểu nhóm máu, kiểu gene, sức khỏe và khả năng làm việc của quả thận sắp cho cũng như quả thận còn lại.

Người cho thận phải có độ tuổi từ 18 – 60. Những người quá lớn tuổi (trên 65) thì không được lấy thận vì chức năng thận đã yếu, một quả ở lại không đủ đáp ứng khả năng lọc chất độc. Tuổi người cho tốt nhất là tương đương hoặc lớn hơn người nhận. Đặc biệt mạch máu thận của người cho không bị dị dạng để cắt nối tốt, trường hợp bị bệnh máu không đông thì tuyệt đối không được cắt thận vì dễ gây tử vong hoặc tai biến do mất máu... Nghĩa là, không chỉ người được ghép, người cho cũng phải làm tới trên dưới 50 loại xét nghiệm khác nhau.

Trường hợp này là người cùng huyết thống, cùng nhóm máu các xét nghiệm đã là khó khăn, trong khi người không cùng huyết thông, không cùng nhóm máu thì còn khó khăn gấp nhiều lần. Việc cấy ghép không chỉ đảm bảo an toàn trong công tác truyền máu (nghĩa là nhóm máu của người cho và người nhận phải truyền được cho nhau) mà còn phải có phương án chặt chẽ khắc phục tình trạng chống thải ghép. Bởi người không cùng huyết thống và nhóm máu thì nguy cơ thải ghép cao hơn rất nhiều với người cùng huyết thống và nhóm máu.

Mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh

TS.BS Trương Thanh Tùng cho biết, các bệnh nhân được chỉ định ghép tạng đều là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong cao và chất lượng cuộc sống thấp nếu không được ghép. Trong khi đó, ghép thận vừa mang lại hy vọng sống vừa cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân rất nhiều. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống sau ghép thận trên 1 năm là 95%. Tỷ lệ thận ghép còn hoạt động sau 5 năm là 70 – 80%. Sau 10 năm còn khoảng 50 – 60% . Sau ghép thận, bệnh nhân có cuộc sống lao động bình thường 75%, đặc biệt đã có nhiều trường hợp kết hôn và sinh con sau khi ghép. Người cho thận cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe, bởi theo cơ chế bù trừ một quả thận vẫn có khả năng hoạt động như bình thường...

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong nghiên cứu, ứng dụng nhiều dịch vụ kỹ thuật y học tiên tiến, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đến nay bệnh viện đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng. Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận và triển khai thành công nhiều ca ghép thận, trong đó có ghép thận người cho sống có cùng huyết thống, người cho sống không cùng huyết thống và là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện thành công ghép thận từ người cho chết não.

Thành công của ca ghép thận thứ 10 một lần nữa tiếp tục khẳng định trình độ của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đồng thời là "địa chỉ tin cậy" giúp người bệnh được tiếp cận và được thụ hưởng các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu ngay tại địa phương, giảm chi phí khi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương điều trị.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top