Lần đầu tiên dùng ECMO ba đường dẫn cứu bệnh nhi viêm cơ tim tối cấp

Bệnh nhi bị sốc tim do viêm cơ tim tối cấp. Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 áp dụng kỹ thuật mới VAA-ECMO: hỗ trợ tim bằng 2 đường động mạch kèm 1 đường tĩnh mạch.

Nguyễn Thị V.A (15 tuổi, Tân Phú) bị ho và sổ mũi. Đến ngày thứ ba, em bắt đầu đau thượng vị kèm nôn ói. V.A than mệt, khó thở nên được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng suy hô hấp và trụy tim mạch.

viem-co-tim.jpg
Nguyễn Thị V.A (15 tuổi, Tân Phú) được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đến 70 ngày vì viêm cơ tim tối cấp. 

Bệnh nhi được chẩn đoán là sốc tim do viêm cơ tim tối cấp. Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc trợ tim liều cao kèm sốc điện điều chỉnh rối loạn nhịp tim… nhưng không cải thiện nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1), bệnh nhi nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng mê, môi tái, trụy tim mạch kèm rối loạn nhịp thất.

Bệnh nhi được tiến hành kỹ thuật ECMO (chạy tim phổi nhân tạo), nhưng tình trạng không cải thiện, huyết áp vẫn thấp, đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực đã áp dụng kỹ thuật mới VAA-ECMO: hỗ trợ tim bằng 2 đường động mạch kèm 1 đường tĩnh mạch (thay vì chỉ 1 động mạch, 1 tĩnh mạch) để tăng cung lượng tim, cải thiện tình trạng huyết động học.

Bên cạnh đó, êkip còn áp dụng hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não và dùng thuốc chống loạn nhịp kèm máy tạo nhịp để kiểm soát rối loạn nhịp tim. Tình trạng tim mạch của bệnh nhi đã ổn định dần.

Do tình trạng trụy tim mạch kéo dài dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan (gan, thận, tiêu hóa, não), bệnh nhi đã được phối hợp lọc máu liên tục để ổn định chức năng các cơ quan.

Bệnh nhi Nguyễn Thị V.A đã được xuất viện khỏe mạnh về nhà sau hơn 70 ngày đêm điều trị.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 - 10 ca viêm cơ tim cấp. Kể từ khi có ECMO, tỷ lệ viêm cơ tim tối cấp được cứu sống vào khoảng 70 - 80%.

Viêm cơ tim có thể do nhiễm virus (enterovirus, quai bị, sởi, rubella...), vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc cũng có thể do thuốc, độc chất hay bệnh tự miễn. Triệu chứng khởi đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt.

Vì vậy, theo các chuyên gia, trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng đủ chất, chích ngừa (bạch hầu, cúm, rubella, quai bị...); hạn chế tiếp xúc với người lớn đang mắc những bệnh liên quan đến các siêu vi; rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…

Theo Đời sống
back to top