Lấn biển không tính toán sẽ phải trả giá đắt

(khoahocdoisong.vn) - Khánh Hòa đang đề xuất lấn 1.500ha biển tại huyện Vạn Ninh để phát triển kinh tế. Theo các chuyên gia, lấn biển gây tác hại xấu cho môi trường, do đó cần phải xem xét kỹ chủ trương này.

Biển sình lầy cũng có hệ sinh thái

Tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nghe UBND tỉnh báo cáo nội dung liên quan điều chỉnh Quy hoạch chung và Đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong diễn ra mới đây, đơn vị tư vấn đề xuất lấn 1.500ha biển tại huyện Vạn Ninh để phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, đơn vị tư vấn đề xuất diện tích lấn biển ở nơi sình lầy, xa khu dân cư và không nằm trong khu bảo tồn biển. Quá trình lấn biển không làm ảnh hưởng môi trường, hệ sinh thái biển. Trong lần điều chỉnh này, các đơn vị tư vấn còn đề xuất bổ sung 3.500ha của xã Xuân Sơn, nằm ở đồi núi huyện Vạn Ninh, vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong.

Hiện, dự thảo quy hoạch được trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét. Dự kiến tháng 5, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và tổ chức phản biển; tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa. Sau đó, ban báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, để hoàn thiện đồ án, trình thẩm định, phê duyệt vào tháng 6.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, cần phải cân nhắc rất thận trọng đề xuất này. Thực tế, bất cứ một dự án, một nhà máy nào được xây dựng cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Riêng với việc lấn biển, không có khu vực lấn biển nào lại không ảnh hưởng đến môi trường, dù đó là khu đầm lầy hay để hoang. Vùng đầm lầy có hệ sinh thái của đầm lầy, đó là đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn hoặc hệ sinh thái cửa sông.

Việc lấn biến chắc chắn ảnh hưởng xấu đến toàn bộ chuỗi hệ sinh thái đó. Tuy nhiên khi đưa ra quyết định, phải cân nhắc lợi ích của dự án và thiệt hại của môi trường. Bài toán lợi ích ở đây phải phân tích đầy đủ các chi phí môi trường như thế nào, tác hại ra sao, nguồn sống của người dân bị giảm thế nào… xem lợi ích từ dự án có bù đắp được hay không. Không được đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Việc cho rằng quá trình lấn đến 1.500ha biển mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái thì chỉ là ngụy biện.

Lấn biển tác hại rất lớn cho môi trường

TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết, diện tích 1.500ha không phải là nhỏ. Với diện tích lấn biển lớn như vậy sẽ tác động xấu đến môi trường xung quanh liên quan đến dòng chảy. Ngoài ra theo tính toán, vùng biển ven bờ Việt Nam có 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hoạt động khai thác, sử dụng không hợp lý vùng bờ từ Bắc vào Nam, dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái tại đây ngày càng gia tăng nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều công trình lấn biển xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường biển.

PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, theo Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, trong hành lang bảo vệ bờ biển nghiêm cấm các hoạt động, xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Luật cũng quy định phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. Ngoài ra, phải theo quy định của luật quy hoạch, luật đất đai…

Các chuyên gia cho rằng, khi làm các công trình lấn biển, cần xem xét đánh giá hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của từng dự án và cần dự báo biến động môi trường biển trong bối cảnh dài hạn có tính đến tác động của các kịch bản lấn biển.

Theo Đời sống
back to top