Làm thủy điện lớn, không làm thủy điện nhỏ

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thủy điện nhỏ làm thay đổi cấu trúc mặt đất, cộng thêm mất rừng, nước lũ sẽ xối thẳng vào đất… sẽ khiến hậu quả thiên tai thêm nặng nề.

Thủy điện nhỏ khiến hậu quả tai biến thiên nhiên thêm nặng nề

Lũ lụt ở miền Trung gây hậu quả nặng nề trong năm vừa qua đã đặt ra vấn đề gây tranh cãi về tác động của thủy điện nhỏ. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Lũ lụt gắn với sạt lở đất, thậm chí nửa quả núi đổ xuống, chôn lấp nhiều người, thì đó không phải là thiên tai bình thường xảy ra, mà chắc chắn là do thiên tai cộng với những tác động của con người không đúng quy luật thiên nhiên.

Ví dụ, trên một khúc sông ngắn ở miền Trung mà có tới 3 hồ thủy điện. Quá trình ngăn nước sẽ làm thấm nước vào mặt đất và làm mặt đất bị bở rời. Tức là làm thay đổi cấu trúc vỏ Trái đất. Cộng với việc làm mất rừng, sẽ làm bề mặt đất, cấu trúc bị thay đổi rất nhiều. Và từ đó gây nên trượt lở đất, trượt lở núi.

Như vậy, những thảm họa đã xảy ra không phải là chuyện bình thường của tai biến thiên nhiên mà là tai biến thiên nhiên gắn với những tác động bất quy luật của con người làm tai biến thiên nhiên nặng hơn rất nhiều.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. Ảnh: Trần Hải.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. Ảnh: Trần Hải.

Có ý kiến cho rằng, không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ. Nếu không có đập thủy điện lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện lũ cao hơn rất nhiều?

Tôi không đồng ý quan điểm như vậy. Thủy điện nhỏ bình thường không sao, nhưng khi thời tiết thay đổi, mưa lũ, nước dâng cao… thì phải xả lũ. Nếu tất cả thủy điện cần xả lũ, có thể gây ra tình trạng lụt lội vượt mức chịu đựng của nền đất nơi đó, ví dụ như trường hợp ở Rào Trăng.

Và như tôi vừa nói, thủy điện nhỏ làm thay đổi cấu trúc mặt đất, cộng thêm mất rừng, nước lũ sẽ xối thẳng vào đất mà không có các cây bụi che chắn… Tất cả khiến hậu quả thiên tai lớn hơn rất nhiều.

Sản xuất điện cũng rất quan trọng, chỉ cần mất điện là nhiều hoạt động của cuộc sống đã ngưng trệ. Nếu không phát triển thủy điện, liệu có gây thiếu điện, thưa ông?

Khi phát triển thủy điện, thậm chí là động viên sức đầu tư từ tư nhân vào thủy điện vừa và nhỏ, chúng ta không tính kỹ được bài toán chi phí lợi ích.

Cụ thể, chúng ta sản xuất ra được từng này mêga oát điện. Nhưng cái giá phải trả là mất bao nhiêu rừng? Nếu tai biến thiên nhiên xảy ra sẽ làm mất bao nhiêu tài sản, sinh mạng của người dân… Tất cả những điều đó, lẽ ra chúng ta phải tính tới trong quyết định liên quan tới thủy điện vừa và nhỏ. Đằng này lại chưa tính tới.

Thế giới đã chuyển sang năng lượng gió, điện mặt trời từ rất lâu rồi, và chuyển điện gió, điện mặt trời ra ngoài khơi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn loanh quanh việc điện gió ở trong bờ. Sự thực, chúng ta có nhiều nguồn để sản xuất điện chứ không chỉ là thủy điện.

Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Ảnh: Mai Loan.

Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Ảnh: Mai Loan.

Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể làm rất nhiều thủy điện lớn. Nhưng chúng ta đã làm đến mức độ an toàn rất cao thì hãy đi tới làm thủy điện lớn. Chứ đừng tổ chức quá nhiều thủy điện nhỏ, vừa tốn rừng, vừa làm hỏng mặt đất. Cũng đừng làm ra được vài mêga oát điện rồi nói rằng: “không có tôi thì chết”.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm khoảng 7,41 hecta đất. Trong đó: 0,078 hecta đất ở, 0,256 hecta đất lúa, 0,808 hecta đất màu, 2,726 hecta đất rừng, 1,507 hecta đất sông suối. Trên mọi nhánh sông miền Trung đều có vài ba thuỷ điện. Tổng thuỷ điện vừa và nhỏ cả nước đến nay là 330 nhà máy với công suất lắp máy 7.666 MW. Nhân dữ liệu trung bình này lên thì biết, ta đã mất khoảng 21 nghìn hecta rừng, 11 nghìn hecta sông suối. Tôi cho rằng, chúng ta đã làm chưa tốt việc can thiệp vào thiên nhiên, không đúng quy luật, làm cho hậu quả của những tai biến thiên nhiên nặng nề hơn rất nhiều. Bình thường bão lụt tới, các thiệt hại mất 3 đồng. Nhưng có thủy điện nhỏ, con số thiệt hại sẽ gấp rất nhiều lần.

Đặt câu hỏi về lợi ích nhóm

Việc cấp phép phát triển thủy điện nhỏ, để xảy ra những hậu quả như vậy theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

Tất nhiên phải là cơ quan quản lý nhà nước cho phép thì tư nhân mới làm được. Chứ không cho phép thì sao họ dám làm? Cho nên, lỗi trước hết ở đây thuộc về cơ quan quản lý trong đó có quy hoạch tổng thể, và chính sách phát triển chung của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, có lỗi của rất nhiều người thuộc các Bộ khác. Ví dụ, về quản lý tài nguyên nước, quản lý rừng… Tất cả đều có lỗi chung trong lỗi về quản lý thủy điện.

Nhìn chung, việc quy hoạch phải có tầm nhìn xa, kiến thức rộng. Vì khi cho phép xây dựng nhiều thủy điện nhỏ liên tiếp, với tầm nhìn xa phải tính được từ đó sẽ gây ra điều gì. Nếu không tính được điều đó, thì sẽ không ngăn ngừa được những tác động của tai biến thiên nhiên gắn với sự tác động thiếu cẩn trọng của con người vào thiên nhiên.

Việc phát triển điện mặt trời tốn khá nhiều diện tích. Việc xử lý pin năng lượng mặt trời cũng là vẫn đề đang bàn. Vậy theo ông, Việt Nam có thể sử dụng các giải pháp thay thế như thế nào cho thủy điện?

Việc lắp đặt điện ở mặt đất tốn khá nhiều diện tích, nên nhiều nước đã bắt đầu đẩy ra ngoài biển. Hơn nữa, nhiều nước đã bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo từ biển. Tức là năng lượng từ sóng biển và năng lượng từ thủy triều. Có nghĩa, các nước họ đã tiến rất xa rồi. Nhưng Việt Nam hiện nay vẫn “lẽo đẽo” đi theo thủy điện vừa và nhỏ.

Mình có làm được điều đó hay không, thưa ông?

Tôi cho rằng hoàn toàn làm được. Hiện nay Viện Hàn lâm khoa học cũng đã thử nghiệm các máy phát điện từ sóng biển, từ thủy triều.

Vậy theo ông vì sao mình vẫn “lẽo đẽo” đi theo thủy điện vừa và nhỏ?

Tuy chưa có đủ căn cứ, tuy nhiên tôi cho rằng, lợi ích từ việc làm thủy điện nhỏ rất cao. Vậy, chúng ta có thể đặt câu hỏi, liệu có lợi ích nhóm này ở đây hay không?

Để xảy ra những thiệt hại do lũ lụt vừa qua, công tác dự báo cũng là vấn đề được đem ra “mổ xẻ”. Theo ông, việc dự báo của Việt Nam hiện đã tốt hay chưa?

Theo tôi, việc dự báo của ta thì các nước cũng chỉ đến thế mà thôi. Vấn đề ở đây là quy hoạch như thế nào. Hiện nay, thế giới người ta dùng từ: quy hoạch gắn với các rủi ro có thể xảy ra. Tức là, đừng bắt dân sống ở những vùng lũ nữa. Hãy bỏ kinh phí để tái định cư cho dân đến ở những vùng cao ráo, không có sạt lở, không có lũ ống, lũ quét.

Nhưng để làm được điều này, thì những người lãnh đạo ở các địa phương phải biết thương dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Theo KH&ĐS
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top