Làm sao phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Đồng nhiễm Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết thường có các triệu chứng tương tự, dễ chẩn đoán nhầm.

Biểu hiện ban đầu của cả hai bệnh có sự chồng lắp

Những thách thức lớn trong chẩn đoán thường xảy ra do hạn chế tiếp cận với các xét nghiệm, những thiếu sót trong chẩn đoán có thể dẫn đến điều trị không chính xác và kịp thời cho bệnh nhân.

tre-mac-sot-xuat-huyet-.jpg
Sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Ảnh tư liệu

Vì vậy, việc phân biệt những đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa hai thể bệnh giúp nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm và nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Sốt xuất huyết có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt, đau đầu, phát ban, nhức cơ và khớp, đồng thời cũng xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy.

Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu xuất huyết và sốc giảm thể tích như: xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, ói ra máu, đi cầu phân đen, chân tay lạnh, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Đối với Covid-19, đa số người bệnh đều nhẹ với ít triệu chứng trong khi đó một số người xuất hiện các triệu chứng trầm trọng hơn. Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh là sốt, ho và mệt mỏi.

Một số triệu chứng khác có thể bao gồm khó thở, đau họng, mất mùi hoặc vị, đau nhức cơ thể, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

Các triệu chứng tiêu hóa như chán ăn, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy cũng thường được báo cáo.

Sốt xuất huyết và Covid-19 do các tác nhân hoàn toàn khác nhau gây ra. Tuy nhiên, biểu hiện sớm ban đầu của cả hai bệnh đều có sự chồng lắp, với hội chứng nhiễm virus chung bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và suy nhược cơ thể. 

Việc xét nghiệm kháng nguyên là tiêu chuẩn để chẩn đoán cho cả Covid-19 và sốt xuất huyết, nhưng trong nhiều trường hợp người bệnh vẫn có thể nhận ra một số khác biệt đáng chú ý. Mất mùi và mất vị thường gặp trong Covid-19 hơn là sốt xuất huyết.

Các triệu chứng viêm hô hấp như ho, đau họng, khó thở là triệu chứng của Covid-19, thường không xuất hiện khi bị sốt xuất huyết.

Ngược lại, các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy và tình trạng xuất huyết da niêm hầu như ít xảy ra ở bệnh nhân Covid-19.

Sốt xuất huyết khiến cơ thể bị suy giảm miễn dịch tạm thời

Hiện nay, hầu hết những người mắc sốt xuất huyết và Covid-19 nhẹ đều có thể tự phục hồi tại nhà. Tuy nhiên, cả sốt xuất huyết và Covid-19 đều có thể tiến triển nặng và dẫn đến tử vong.

Đối tượng cần lưu ý nhiều hơn khi mắc sốt xuất huyết là trẻ em, trong khi trẻ em thường được xếp vào nhóm “an toàn” đối với Covid-19.

Nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết bị mất nước nặng, cô đặc máu, sốc tuần hoàn và phải nhập hồi sức theo dõi. Do đó, nếu trẻ em đồng nhiễm sốt xuất huyết và Covid-19 rất đáng lo ngại về nguy cơ diễn tiến nặng.

benh-nhi-covid.jpg
Khi trẻ có biểu hiện sốt trong thời gian mùa mưa, các phụ huynh cần nắm rõ thông tin để tránh tình trạng chỉ vì lo sợ Covid-19 mà bỏ qua các bệnh khác như sốt xuất huyết.

Bản thân người trưởng thành khi mắc sốt huyết cũng đồng nghĩa là đang rơi vào trạng thái “suy giảm miễn dịch tạm thời”.

Nếu trong giai đoạn sức khỏe chưa ổn định, bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2, khả năng sinh đáp ứng chống lại virus sẽ rất kém, dễ tăng nguy cơ trở nặng dù không có bất kỳ bệnh lý nền nào quan trọng.

Do đó, tất cả người dân cần lưu ý phòng tránh sốt xuất huyết bằng cách ngủ màn, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, tránh để vật chứa nước tù đọng gần nhà... dễ tạo môi trường thuận lợi cho muỗi Aedes sinh sản và truyền bệnh.

Khi trẻ có biểu hiện sốt trong thời gian mùa mưa, các phụ huynh cần nắm rõ thông tin để tránh tình trạng chỉ vì lo sợ Covid-19 mà bỏ qua các bệnh khác như sốt xuất huyết.

Đối với trẻ, sốt xuất huyết mới là bệnh có nhiều nguy cơ trở nặng hơn so với nhiễm Covid-19.

Chúng ta sống cùng virus SARS-CoV-2 không có nghĩa là phải bất lực trước nó, mà hơn bao giờ hết cần luôn cẩn trọng đề phòng xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Nhiều bệnh khác vẫn cần được quan tâm chăm sóc đúng mực, người dân cần có sự bình tĩnh tìm hiểu thông tin đa chiều để ứng phó với nhiều tình huống có thể xảy ra trong “điều kiện ổn định mới” của xã hội.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn - BS Thành Minh Khánh (Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top