Làm sách Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp

(khoahocdoisong.vn) - Theo kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2019 được Bộ GD-ĐT thống kê, môn lịch sử có điểm trung bình là 4,3. 70% số bài thi có điểm dưới 5. Tình trạng học sinh học kém môn Lịch sử đã diễn ra trong thời gian dài. Việc Báo KH&ĐS manh nha làm phổ biến kiến thức về Lịch sử từ cách nay 15 năm phải chăng là sự nhạy cảm với thời cuộc?

Theo truyền thống thì từ khi ra đời năm 1959, Báo KHOA HỌC THƯỜNG THỨC - sau này đổi tên là KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG - thường chỉ phổ biến kiến thức về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, y học là chính.

Nhưng đến khi KH&ĐS bắt đầu tăng đều 2 kỳ/tuần, chúng tôi bắt đầu có chủ trương đề cập đến cả khoa học xã hội, trong đó có Lịch sử với nhiều vấn đề hay mà Báo có thể “gánh vác” được. Tòa soạn đã mời Nhà Sử học Lê Văn Lan cung cấp nội dung phổ biến kiến thức về lịch sử Việt Nam cho mục Giáo Sư Lê Văn Lan trả lời trên số ra Thứ Sáu hằng tuần, được rất nhiều bạn đọc hoan nghênh. 

Dịp kỷ niệm 40 năm, chúng tôi đã ra được cuốn Kỷ yếu “40 năm Khoa học và đời sống”.Tháng 9/2004kỷ niệm 45 năm ngày Báo xuất bản số đầu, ý tưởng làm sách ghi lại dấu ấn của Báo lại nung nấu trong tôi.

Một người quen làm việc ở một Nhà Xuất bản (NXB) đề xuất với tôi: NXB đó sẽ đứng ra xuất bản một cuốn sách lớntập hợp những bài đã đăng trên KH&ĐS. Sách đó, nếu làm được, sẽ rất ấn tượng. Phương án của họ đề ra là chúng tôi chuẩn bị toàn bộ bản thảo, lo quan hệ với các tác giả của các bài báo sẽ đăng trong sách; NXB lo giấy phép, chịu trách nhiệm biên tập. Nếu làm theo phương án đó thì công sức Tòa soạn chúng tôi bỏ ra sẽ rất lớn, chưa kể đến sự phức tạp khi tính nhuận bút cho rất nhiều tác giả, bởi bài vở sẽ lấy từ nguồn 45 năm của Báo chúng tôi. Không thể được! Tôi phải tìm cách khác.

Tôi tranh thủ thời gian la cà các hiệu sách, thấy rằng loại sách hỏi đáp về lịch sử một cách phổ thông và đặc sắc như cách đưa của KH&ĐS hầu như  chưa có. Thế là tôi quyết định sẽ tập hợp các bài giải đáp về lịch sử đã đăng hai năm vừa qua trên Báo chúng tôi để làm sách vào dịp kỷ niệm này.Việc này sẽ đánh dấu sự chuyển mình của Báo: làm phổ biến kiến thức về khoa học xã hội cũng giỏi không kém gì phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật. 

Nghỉ Tết xong, tôi bàn ngay với mọi người trong Tòa soạn. Đạt được sự nhất trí và ủng hộ của anh chị em, tôi mời Nhà Sử học Lê Văn Lan tới Tòa soạn trình bày ý định ấy và xin phép Tác giả để Báo KH&ĐS làm sách. Rất phấn khởi, ông đồng ý ngay và cùng chúng tôi chuẩn bị cho việc ra cuốn sách đặc biệt. Một hợp đồng được soạn thảo.Tác giả chỉ yêu cầu được nhận 50 cuốn sách và 1.000.000đ tiền nhận bút. Chúng tôi chủ động nêu sẽ trả 10% giá bìa là tỉ lệ cao nhất theo quy định hiện hành nhưng tác giả bảo mỗi kỳ đăng báo Tòa soạn đã trả nhuận bút cho từng bài cao rồi nên chỉ “Xin tạm ứng luôn cho một triệu đồng để ăn tháng này!”. Chúng tôi rất cảm kích và gửi ngay ông số tiền đó. Tấm lòng của cộng tác viên đối với Tòa soạn là như vậy đó.

Trong những ngày nghỉ Tết tôi đã tính toán: Sẽ in một vạn cuốn! Nhưng khi nêu con số 1 vạn thì mọi người đều can là không thể được vì thị trường sách trong nước hiện nay đa phần mỗi cuốn sách chỉ in 500 - 1.000 cuốn mà thôi. Trao đi đổi lại, ý kiến chung là chỉ in 1.500 cuốn. Tuy nhiên tôi vẫn xin phép Bộ VHTT cho in 5.000 cuốn, trong bụng nghĩ: Biết đâu đấy!

Họp giao ban, tôi nêu mấy ý kiến:

- Sẽ thông báo tới bạn đọc về việc xuất bản sách này sau khi có giấy phép và mời bạn đọc đặt mua sách cùng với dịp đặt mua báo quý 3/2004; có nghĩa là dùng đường phát hành báo chí trung ương để bán sách này như một ấn phẩm đặc biệt nhân kỷ niệm Báo 45 năm.

- Giá bán sách chỉ nên để thấp thôi vì là sách kỷ niệm, coi như một sự tri ân đối với độc giả vì họ đã ủng hộ mua Báo thường xuyên.

Anh chị em cho rằng nên để như giá thị trường vì giá thấp người ta dễ nghĩ là sách kém chất lượng.

Quả là cái lý ấy tôi không nghĩ tới. Tôi nghe theo mọi người, và chúng tôi thống nhất sẽ bán với giá 25.000đ/cuốn, thấp hơn giá bình thường một chút.

Về tên sách, lúc đầu chúng tôi định đặt là Những bí ẩn của Lịch sử Việt Nam, dễ lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên khi đến Bộ VHTT xin giấy phép thì phía Bộ không đồng ý với tên đó vì lịch sử bao giờ cũng là vấn đề nhạy cảm. Tôi đành phải chọn phương án trung dung, đổi thànhLịch sử Việt Nam - Hỏi và Đáp và được chấp thuận.

Về nội dung, Tác giả Lê Văn Lan có trách nhiệm phân ra từng phần, xem xét lại các bài viết đã đăng KH&ĐS, cần bổ sung, sửa chữa thì thêm, kể cả bổ sung thêm bài cho đủ 99 câu hỏi – đáp. 

Về giá in, tôi cùng chị Trần Thị Vụ (Trưởng Phòng Trị Sự kiêm Kế toán trưởng) đến Xí nghiệp in Văn hóa phẩm đàm phán. Tính ra, giá giấy và công in cho cuốn sách ấy mà chúng tôi đàm phán được thì không đâu ở Hà Nội khi đó rẻ bằng.

Nhà báo Trần Thị Thu Hiên.

Nhà báo Trần Thị Thu Hiên.

Trong khi đi vận động phát hành, Trần Văn Lương (nhân viên Phòng Trị sự) có báo cáo rằng có một nhà sách nhận phát hành với số lượng lớn, nhưng họ đòi được độc quyền phát hành. Phương án ấy không chấp nhận được vì chúng tôi đã thông báo rộng rãi từ tháng 4/2004, và bạn đọc đã đăng ký mua qua các bưu điện gần hết 5000 cuốn mà chúng tôi được phép in rồi.

Xuất bản sách được ít lâu, tôi tìm đến Nhà Sách mà Lương đã nói.

Tôi đặt vấn đề với họ là sẽ in nối bản cuốn sách và giao họ độc quyền phát hành đợt in thứ hai này. Họ nhận mua đứt 5.000 cuốn.

Lần nối bản này chúng tôi in 5.500 cuốn, trong đó 500 cuốn để lại cho Tòa soạn. 

Thế là cuốn sách LSVN - H&Đ đã được in cả vạn cuốn và nhanh chóng phát hành hết.Chúng tôi vừa cóthêm ĐỨA CON TINH THẦN LÀ CUỐN SÁCH, làm quà tặng ý nghĩa dành cho bạn đọc cả thời gian sau,vừa có thêm chút doanh thu. Tòa soạn cũng không quên biếu Tác giả Lê Văn Lan thêm 50 cuốn nữa. Cả Tòa soạn mừng vui. Riêng tôi ngầm tự hào với số lượng in và phát hành đúng như tính toán ban đầu của mình.

Việc phát hành cuốn sáchnày thành công trước hết vìnó đã đáp ứng được nhu cầu thực sự của Bạn đọc mong muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà được trình bày một cách dễ hiểu và hấp dẫn. Thành công nữa cũng chính là nhờ có mối quan hệ hữu cơ Tòa soạn- Cộng tác viên- Bạn đọc mà Báo Khoa học và Đời sống luôn duy trì vững chắc từ những kỳ phát hành đầu tiên cách đây 60 năm.

Trần Thị Thu Hiên

(nguyên Tổng Biên tập Báo KH&ĐS)

Theo Đời sống
Ngã rẽ và những món quà ý vị

Ngã rẽ và những món quà ý vị

(khoahocdoisong.vn) - “Về Sài Gòn làm báo nhé! Có tờ báo nọ đang tuyển người… như ông”, lời rủ rê của anh bạn - phóng viên một tờ báo tại TPHCM khiến tôi nhiều đêm suy nghĩ. Tờ báo mà anh bạn giới thiệu là KH&ĐS. 
Đáng tự hào vị thế một tờ báo khoa học

Đáng tự hào vị thế một tờ báo khoa học

(khoahocdoisong.vn) - Mùa thu năm nay Báo KH&ĐS mà tiền thân là Báo Khoa học thường thức ra đời vừa tròn sáu chục năm (30/9/1959-30/9/2019). Ôn lại những kỷ niệm làm báo, tôi nhớ đến những bậc tiền bối đã có công xây dựng và phát triển tờ báo từ những ngày đầu tiên, đó là những nhà khoa học kiệt xuất của đất nước tâm huyết với sự nghiệp mở mang dân trí. Vì thế tờ báo được mọi người tin yêu và lưu giữ, coi đó là một cẩm nang khoa học trong những năm mà internet chưa xuất hiện.
Những sự kiện đáng nhớ trong đời làm báo của tôi

Những sự kiện đáng nhớ trong đời làm báo của tôi

(khoahocdoisong.vn) - Nhà báo Tuyết Phương, phụ trách mảng y tế - sức khỏe trên Báo KH&ĐS. Những năm tháng chiến tranh, bà đã từng là phóng viên chiến trường. Những chia sẻ của bà cho thấy sự năng động, nhiệt huyết của người làm báo KH&ĐS.
Nghĩa lớn        

Nghĩa lớn        

(khoahocdoisong.vn) - GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học lớn, người đặt nền móng cho ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội KH&KTVN, Chủ nhiệm Báo KH&ĐS. Dưới đây là những chia sẻ của nhà báo Hữu Hưng, nguyên Trưởng ban Biên tập Báo KH&ĐS về những kỷ niệm với GS Trần Đại Nghĩa.
back to top