Làm nghề báo là phải có bản lĩnh

(khoahocdoisong.vn) - Theo PGS.TS Dương Xuân Sơn, Viện Đào tạo Báo chí truyền thông, nghề báo nhiều vất vả, nhọc nhằn, lắm cám dỗ... nên nếu định theo nghề báo, cần phải có bản lĩnh.

Khó nhất là vượt qua chính mình

Là một trong những người đặt nền móng  để thành lập ra Khoa Báo chí, nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên báo chí, theo ông, để theo đuổi nghề báo cần yếu tố gì?

Người viết báo là người đưa thông tin, đem đến sự tự do, bình đẳng cho xã hội, cho con người.

Muốn làm nghề báo tốt, đòi hỏi rất nhiều nhưng chủ yếu phải đạt được một số phương diện: Đầu tiên, kiến thức với người làm báo phải rộng và sâu; thứ hai là sự dấn thân và bám sát thực tiễn; thứ ba phải thường xuyên rèn luyện tay nghề, các kỹ năng thu thập thông tin, nói, viết…; và đặc biệt, đã làm nghề phải có đạo đức nghề.

PGS.TS Dương Xuân Sơn. Ảnh: KH&ĐS.

PGS.TS Dương Xuân Sơn. Ảnh: KH&ĐS.

Nhiều thí sinh rất băn khoăn khi chọn nghề báo vì lo ngại sẽ quá vất vả?

Nghề báo là nghề vinh quang, nhưng cũng đầy gian nan, vất vả và thử thách. dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cả trong thời bình và thời chiến. Cho nên, nếu định theo nghề báo thì phải xác định cần có sự hy sinh, lăn lộn với nghề. Làm báo mà ngại va chạm, tiếp xúc, quan hệ, ngại khám phá thì không thể làm được.

Nghề báo, vốn được coi cũng có nhiều cám dỗ. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Từ trải nghiệm cuộc đời, và cả trong nghề báo tôi thấy, có ba cám dỗ lớn nhất, đó là: Tiền, quyền, tình. Có những mối lợi rất béo bở, bày ra trước mắt, nếu không nắm lấy thì sẽ vụt qua. Trong khi, lòng tham của con người là vô đáy. Cho nên, cái khó nhất để vượt qua cám dỗ chính là vượt qua chính mình.

Khi đã xác định làm nghề thì phải có bản lĩnh. Khi đã có bản lĩnh thì không ai có thể ép làm điều không muốn. Nếu cảm thấy không đáp ứng được, thì từ bỏ. Tôi cho rằng, đây cũng là một khía cạnh của sự hy sinh.

Gần đây, có kiến nghị nên thu tiền đọc báo online. Khi nhà báo được đảm bảo cuộc sống của mình, thì cũng có thể bớt đi những sa ngã do cám dỗ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Tôi ủng hộ. Bởi thông tin báo chí cũng là một loại hàng hóa, là dịch vụ. Trong khi đó, sử dụng bất kỳ dịch vụ nào cũng đều phải trả tiền. Ví dụ, nhắn một cái tin qua mạng di động cũng phải trả tiền. Hoặc như đọc báo giấy, xem truyền hình cáp đều phải đóng tiền.

Tôi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, với những thông tin chất lượng, độc quyền, thì việc phải bỏ tiền ra mua thông tin cũng là hợp lý, thậm chí phải đặt hàng. Nhiều tờ báo lớn của phương Tây đã làm điều này. Khi nhà báo được đảm bảo cộc sống, sống được bằng nghề của mình, thì có thể sẽ bớt đi những tiêu cực.

Một trong những lý do khiến dư luận phản đối đề xuất này là chất lượng báo chí hiện nay không “xứng” để trả tiền?

Vẫn có câu nói “nhà văn nói láo nhà báo nói phét”… nhưng tôi cho rằng, chỉ là số ít thôi. Và số ít đó bị đào thải rất nhanh. Bởi trong thời đại số, mọi thông tin đều công khai, minh bạch, khó mà che giấu được. Hơn nữa, ngày nay, người đọc cũng rất tinh tường, am hiểu, không dễ gì lừa dối. Cho nên, nếu lừa dối hay đưa thông tin thiếu khách quan, minh bạch sẽ là sự tự đào thải mình.

Dạy sinh viên phải luôn luôn thích ứng

Điểm vào ngành Báo chí của Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn năm trước khá cao, lên tới 26 điểm. Ông có đánh giá như thế nào về chất lượng sinh viên những năm gần đây, thế hệ nhà báo kế cận tương lai?

Tôi thấy học trò hiện nay khác thế hệ trước đây rất nhiều. Cũng có những ưu điểm, tuy nhiên, tôi thấy các em còn hổng nhiều về vốn sống và kỹ năng mềm.

Vậy cần có sự thay đổi trong đào tạo không, thưa ông?

Theo tôi, cần tăng cường dạy kỹ năng mềm cho sinh viên, điều này rất quan trọng. Bản thân luôn dạy các em phải luôn luôn thích ứng. Bởi đôi khi, cuộc sống không giống như những gì sách vở dạy, khi đó, lý thuyết sẽ thành giáo điều và các em cũng dễ bị vấp ngã nếu như chỉ làm theo sách vở.

Ví dụ, cùng một lý thuyết như vậy, nhưng khi các em ra trường, về mỗi tòa soạn lại có những yêu cầu khác nhau, thì các em phải biết thích ứng mới hoàn thành được công việc.

Ông có lời nhắn gửi gì đối với thí sinh muốn lựa chọn, theo đuổi nghề báo?

Nghề báo truyền thông hiện nay vẫn là nghề đang “hot” và được nhiều người quan tâm đặc biệt là thế hệ trẻ vì quan niệm làm nghề báo được đi nhiều tiếp xúc rộng. Tuy nhiên, không chỉ với nghề báo, mà khi chọn bất kỳ nghề nào, thì các em cũng phải xác định được năng lực, khả năng của mình và tình yêu với nghề. Khi cảm thấy yêu nghề đó thì sẽ có niềm tin và động lực để theo đuổi nghề mà mình lựa chọn.

 Cho nên, nếu có tình yêu đối với nghề báo, các em cứ hãy vững tin và lựa chọn nghề mà mình yêu thích.

Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2019, điểm chuẩn xét tuyển ngành báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đối với tổ hợp A00 là 21,75 điểm; C00: 26.00 điểm; D01: 22,50; D03: 19,50; D04: 20,25; D78: 23.00; D82: 20,00; D83: 20,00. Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, báo chí nằm trong top những ngành được thí sinh quan tâm nhất khi đăng ký nguyện vọng vào trường, nhưng cũng có chỉ tiêu tuyển sinh thuộc loại lớn, so với các ngành khác, nên sẽ có cơ hội tốt cho các em.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top