Làm giả phù hiệu vì luật không nghiêm

TS.LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển cho rằng, thực trạng làm giả phù hiệu công an, báo chí đặt trước kính xe ô tô để mong cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi vi phạm, xuất phát từ việc thực thi luật của ta chưa nghiêm và chưa bình đẳng. Người vi phạm thì bằng mọi cách chối tội, còn người thực thi luật thì xử lý tùy trường hợp.

Tạo thuận lợi thành tạo đặc lợi

Vừa qua, tại buổi họp báo cáo kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đưa ra thông tin, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông là tăng cường phát hiện, xử lý những xe ô tô đeo phù hiệu Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước không hợp lệ đang lưu hành. Vì sao xu thế làm giả biển hiệu công an, báo chí lại gia tăng?

Thực ra, những phù hiệu công vụ ra đời nhằm tạo thuận lợi cho thực thi công vụ, chứ không phải là tạo ra đặc quyền đặc lợi. Ví dụ như đại biểu Quốc hội đi họp thì xe gắn biển công vụ, hoặc nhà báo đi làm công vụ cũng có thể được ưu tiên hoặc cơ quan điều tra đi làm việc.

Ý nghĩa của những phù hiệu ưu tiên trên đường hoàn toàn rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại công vụ đặc biệt. Đó là chính sách rất đúng đắn.

Nhưng khi ban hành văn bản thì xuất hiện sự lũng đoạn, lạm quyền từ người cấp và được cấp phù hiệu. Những tổ chức, cá nhân được cấp phù hiệu đó nhưng không được dùng đúng mục đích công vụ, hoặc làm giả.

Đây rõ ràng là những phù hiệu đặc biệt, đâu phải là tờ giấy nháp để dễ làm giả?

Bất cập cả trong quản lý, in ấn và kiểm tra loại phù hiệu này, vì nhiều khi cũng có những cái khó khăn. Vì phù hiệu gắn với đặc quyền của người sở hữu phù hiệu, nhằm tạo điều kiện thực hiện công vụ tốt hơn. Nhiều khi việc kiểm tra cũng không đơn giản.

Đúng là đi trên đường bây giờ, tôi thấy có nhiều xe để biển “báo chí” hay thậm chí là “xe hộ đê” ngay trước kính, rồi đi vùn vụt bất chấp luật giao thông, là một thực trạng cần phải chấn chỉnh?

Đúng thế, nên các cơ quan quản lý mới kết luận thực trạng này đang ngày càng gia tăng. Biến việc tạo điều kiện thuận lợi cho công vụ thành đặc quyền đặc lợi cá nhân. Đặc biệt là những phù hiệu giả nhằm trốn tránh việc thực thi luật, là rất đáng báo động.

Vậy có cách nào kiểm soát không, hay là “rất khó” như ông nói?

Phải vận dụng hệ thống công nghệ thì may ra kiểm soát được. Ví dụ ở các trạm kiểm soát, cảnh sát giao thông, chỉ cần đọc mã số phù hiệu, nhập vào hệ thống là biết thật hay giả.

Ở các nước phát triển người ta đã làm điều này từ rất lâu rồi. Phải có như thế thì mới dễ dàng kiểm soát được. Còn nếu không thì người thực thi công vụ sẽ còn rất vất vả.

Phù hiệu giả, bằng giả

Giả sử khi vi phạm, xe có phù hiệu ưu tiên cũng bị xử lý như xe thông thường, thì ắt hẳn người ta cũng không có nhu cầu làm giả?

Đúng thế, mấu chốt trong câu chuyện này là người thực thi luật. Nếu cấp không đúng mục đích, không đúng đối tượng thì phải kỷ luật thế nào, chế tài ra sao. Nhưng ta thì không có, không truy đến tận nguồn.

Việc cấp biển xanh biển trắng cũng thế, nếu làm quyết liệt, truy trách nhiệm đến cùng thì khó có chuyện xe biển trắng biến thành biển xanh được.

Rồi trong lúc thực thi quyền kiểm tra kiểm soát cũng có thể có tiêu cực ở đó, người vi phạm có thể dùng đồng tiền để thoát khỏi sự vi phạm. Tất cả là vấn đề thể chế, muốn giải quyết phải làm tận gốc.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nếu không có “ưu tiên” bằng những luật bất thành văn thì đúng là khó có tiêu cực?

Như tôi vừa nói, khi thực hiện quyền kiểm tra giám sát và xử lý, các lực lượng chức năng còn có nơi này nơi khác không nghiêm, còn có tiêu cực nên vẫn có những người “đứng trên luật” bằng tiền, bằng quan hệ.

Điều đó tạo nên sự bất bình đẳng, những người vi phạm có thể thoát được, người được cấp thực sự có khi lại bị gây khó dễ. Nên phải xem lại thể chế, từ khâu ban hành các quy định cấp phát phù hiệu cho đến thể chế kiểm tra giám sát hoặc xử lý.

Những chiếc phù hiệu giả này tạo nên bất công trong thực thi luật?

Đó không phải là bất công, mà là kỷ cương chấp hành pháp luật như thế nào. Không chỉ phù hiệu mới bị làm giả. Người ta làm giả bằng cấp để leo lên các chức vụ này chức vụ kia trong hệ thống công vụ. Thị trường làm giả này có cung thì phải có cầu.

Thế nên muốn quản lý thì phải dẹp từ người sản xuất ra các giấy tờ giả đó. Xử lý một cách công khai, minh bạch, bình đẳng trước pháp luật. Bất kể ai vi phạm cũng bị xử lý. Người sử dụng bằng cấp giả cũng phải bị xử lý đến nơi đến chốn, và người sản xuất ra cũng phải bị xử lý nghiêm.

Thực trạng xử lý các vụ việc này như thế nào thưa ông?

Trước đây thì tôi thấy bắt được vụ nào thì có vẻ như là xử lý rất nghiêm, những người sử dụng phù hiệu giả cũng phải như thế. Nhưng đến giờ thì dường như người thực thi luật chưa xử lý nghiêm những người sử dụng bằng cấp, phù hiệu giả nên mới dẫn đến thực trạng ấy.

Trong ngành, đồng chí bỏ qua

Có một thực trạng là khi phương tiện vi phạm giao thông, cảnh sát dừng xe kiểm tra, nhiều khi tài xế nói là làm trong ngành hoặc cơ quan báo chí với tấm biển đặt trước kính xe mong cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi vi phạm. Rõ ràng, điểm mấu chốt “thực thi luật” như ông vừa nói là đúng?

Mỗi khi vi phạm, ta hay thấy nhất là câu “thôi thì trong ngành, mong đồng chí bỏ qua”, hoặc là “cùng nhà, cũng chiến tuyến, có gì thông cảm”. Kỷ cương thực thi pháp luật không nghiêm.

Trong khi đáng lẽ, việc kiểm tra, xử lý đó phải đúng theo quy trình, theo pháp luật, không có tham nhũng, vụ lơi phía sau, thì mới giải quyết được vấn đề. Còn nếu để đồng tiền, quan hệ bị chi phối, sẽ làm sai lệch đi việc thực thi pháp luật.

Nói thế để thấy rằng không có nghĩa trong ngành hay cùng nhà thì được ưu ái, có quyền vi phạm?

Đương nhiên rồi, công an, nhà báo, giao thông công chính, cán bộ nhà nước… vi phạm là bị xử lý. Và cũng đừng ai ăn hối lộ, đừng ai vì quan hệ mà nể nang.

Nếu ai cũng chấp hành luật nghiêm chỉnh thì lấy đâu ra tham nhũng. Biển đỏ, biển xanh hay biển trắng cũng đều phải tuân thủ pháp luật như nhau thì lấy đâu ra có những lùm xùm như chúng ta biết. Mấu chốt là người thực thi luật.

Nhưng ở góc độ người tuân thủ pháp luật, họ cũng có lỗi nếu họ vi phạm rồi lại hối lộ, lợi dụng mối quan hệ quen biết để xin được tha chứ?

Người tuân thủ pháp luật thường có tâm lý, nếu người khác vi phạm mà không bị xử lý, thì tôi cũng có quyền như thế. Và xu hướng đầu tiên khi mắc lỗi là phải làm thế nào để thoát lỗi đã, còn những việc khác tính sau.

Bản chất con người, nếu có vi phạm mà thoát được thì mừng, và sẽ bằng mọi cách để thoát được. Ai cũng có tâm lý đó, tôi thế, bạn cũng thế. Bản chất là luôn muốn trốn tránh. Nhưng nhiều lần vi phạm mà thoát được thì sẽ trở thành thói quen, lúc đó thì sẽ rất khó

. Chỉ có ý thức, văn hóa tuân thủ pháp luật, mới điều chỉnh được cái đó.

Nhưng người thực thi luật cũng có những cái khó. Áp lực từ “phía trên” chỉ đạo xuống chẳng hạn?

Thì ngay cả cái “phía trên” ấy cũng chính là người thực thi luật cơ mà, là người có quyền thực thi luật cơ mà. Đấy đâu phải là vấn đề của người vi phạm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, đặc điểm nhận diện những giấy tờ ưu tiên là dạng bìa cứng, tương đương khổ A4 in chữ Bộ Công an kèm theo biển kiểm soát xe ô tô có in chéo màu đỏ là cấp cho cán bộ đang công tác trong Bộ Công an ra vào khu vực để xe, thuận tiện cho công tác bảo vệ chứ không có tác dụng thay thế cho nhân thân người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Bộ Công an không chủ trương cấp những phù hiệu để mang tính chất hù dọa, tạo đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân, tập thể nào.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top