Làm gì để tránh thiệt hại khi gặp giông lốc

(khoahocdoisong.vn) - Giông lốc mới đây đã gây ra nhiều thiệt hại tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre... Thời tiết cực đoan và các hiện tượng bất thường đã xảy ra sẽ còn lặp lại. Vì vậy, người dân ở những vùng xuất hiện lốc xoáy cần trang bị kỹ năng trú ẩn khẩn cấp.
Thiệt hại do vòi rồng tại Bến Tre ngày 22/8.

Thiệt hại do vòi rồng tại Bến Tre ngày 22/8.

Hiện tượng thiên tai nghiêm trọng

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, báo cáo nhanh sơ bộ ngày 23/8/2021 cho thấy, giông lốc đã gây ra nhiều thiệt hại tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre. 9 người bị thương (Bến Tre); 17 nhà sập (Bến Tre); 248 nhà tốc mái (Bình Thuận 9, Bình Dương 1, Đồng Nai 15; Tiền Giang 14; Bến Tre 209). Về nông, lâm nghiệp nhiều cây cối bị gãy đổ. Thiệt hại khác gồm: 26 cột điện bị gãy đổ, 3.000m dây cáp viễn thông bị đứt (Bến Tre).

Ở nước ta, hiện tượng giông lốc thường xảy ra trong khoảng từ tháng 4 - 8. Lốc xoáy thường xảy ra vào mùa hè, nhất là ở những vùng sát biển. Ở Nam Bộ, hiện tượng gió lốc trong mùa hè không nhiều như ở Bắc bộ và Trung bộ. Lốc cũng như vòi rồng xảy ra rất đột ngột và hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn, không thể dự báo được. Trong những ngày nắng nóng, khi có mây giông xuất hiện, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ và có biện pháp để đề phòng thiệt hại do lốc gây ra. Dấu hiệu nhận biết lốc xoáy là bầu trời bỗng đổi mầu đen, mây di chuyển nhanh, xoắn lại với nhau tạo thành hình nón, xuất hiện các tiếng gầm rú.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, một cơn lốc xoáy sẽ được đánh giá trên 2 phương diện: Tốc độ di chuyển và thiệt hại tiềm năng. Thang điểm phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá là thang Fujita. Theo thang này, những trận lốc xoáy phân loại thành 6 mức độ. Cấp độ của một trận lốc xoáy được xếp từ thang độ F0 - F5 theo mức độ thiệt hại mà nó gây ra.

F0: Lốc xoáy có cường độ yếu, tốc độ gió khoảng 64 - 116km/h, chỉ gây thiệt hại nhẹ như bẻ gãy cành cây, cần ăng-ten. F1: Lốc xoáy có cường độ trung bình, tốc độ gió khoảng 117 - 180km/h, có thể giật tung mái nhà, bẻ gãy cột đèn đường, làm lật xe. F2: Lốc xoáy gây ra thiệt hại đáng kể, với tốc độ gió khoảng 181 - 253k/h, có thể thổi bay các mái nhà, làm bật gốc các cây lớn, làm lật các toa chở hàng. F3: Lốc xoáy có cường độ mạnh và gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, tốc độ gió 254-332km/h, có thể làm lật mái nhà, gây đổ tường, nhấc xe ô tô lên khỏi mặt đất, làm các cây to bật gốc. F4: Lốc xoáy với tốc độ gió 333 - 418km/h có sức mạnh hủy diệt, có thể phá hủy các ngôi nhà có nền móng yếu, cuốn bay ô tô. F5: Lốc xoáy với tốc độ gió từ 419 - 512km/h có sức hủy diệt không thể tưởng tượng nổi, có thể thổi bay các ngôi nhà kiên cố, nhấc bổng và ném ô tô xa hàng trăm mét, làm các cây cổ thụ bật gốc.

Trang bị kỹ năng trú ẩn

PGS.TS Phạm Đức Thi, nguyên Trưởng phòng Dự báo Hạn vừa và Dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định, biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Trận mưa tối 22/8 xuất hiện lốc và vòi rồng ở Bến Tre là hiện tượng khá hiếm đối với khu vực Nam bộ. Những hiện tượng bất thường này nói lên hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan diễn ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn và phá vỡ những quy luật thông thường. Người dân cần phải chuẩn bị những kịch bản xấu nhất để ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan vì các hiện tượng bất thường đã xảy ra, chúng sẽ còn lặp lại.

Những người dân ở vùng thường xảy ra mưa bão, lũ lụt, lốc xoáy cần chuẩn bị sẵn những đồ dùng cần thiết như đèn pin, nến, quần áo, túi cứu thương, pin, lương khô, mỳ tôm, nước sạch... Nên chuẩn bị sẵn một căn hầm tránh lốc xoáy tương tự hầm tránh bom thời chiến tranh xưa. Hầm tránh lốc xoáy bố trí ở vùng đất thấp chắc chắn, bằng phẳng. Khi có lốc xoáy cần nhanh chóng di chuyển vào hầm trú ẩn. Nếu không có hầm trú ẩn, phải di chuyển vào tầng thấp nhất của những ngôi nhà bê tông kiên cố.

Tìm nơi trú ẩn trong các phòng nhỏ, trung tâm ngôi nhà, không gần cửa sổ, tránh xa đường điện. Bất kể đang ở đâu, hãy nằm bò sát mặt đất, úp mặt xuống và dùng tay che kín đầu. Tìm các vật dụng để che chắn như bàn, ghế, tủ, đệm, chăn, gối... Nếu đang đi xe hoặc ở ngoài đường, hãy nhanh chóng tìm một nơi trú ẩn vững chắc hoặc một vùng đất thấp, bằng phẳng có góc che chắn chờ cho đến khi cơn lốc xoáy qua đi. Hãy thận trọng trong việc di chuyển khỏi nơi trú ẩn vì đất có thể sụt lún, các tòa nhà dễ yếu đổ sau trận lốc. Tránh xa các đường dây điện, đặc biệt là khi có nhiều vũng nước xung quanh.

Theo Đời sống
back to top