Làm gì để Đồng bằng sông Cửu Long không “biến mất”?

(khoahocdoisong.vn) - Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún… Làm gì để đảm bảo sinh kế cho người dân vùng này?

Tác động từ trên xuống, từ dưới lên

MDP là viết tắt của Mekong Delta Plan (Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long), một công trình mà Vương quốc Hà Lan giúp cho Chính phủ Việt Nam để phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. MDIRP là viết tắt của Mekong Delta Integrated Regional Plan (Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long là một Dự án trong Tiểu Dự án 6 mà Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam.

Châu thổ sông Mêkông là một trong năm châu thổ bị uy hiếp nặng nề nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tác động ở cấp độ lưu vực. Nằm ở tận cùng của lưu vực sông Mêkông, tiếp xúc với Biển Đông và Vịnh Thái Lan, châu thổ sông Mêkông hứng chịu hậu quả của việc sử dụng nước ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng nước, phù sa và tài nguyên thủy sản chảy vào châu thổ. Phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ, mà chúng ta thường gọi là đồng bằng sông Cửu Long, nơi có gần 20 triệu người dân sinh sống, phải đối diện với thách thức này cùng một lúc với một thách thức khác đến từ phía biển. Các tác động từ phía thượng nguồn là việc chuyển nước sông Mêkông ra khỏi lưu vực, là việc xây dựng các đập; là nạn mất rừng; là nhu cầu về nước tăng do tăng dân số và do phát triển sản xuất nông nghiệp trong lưu vực.

Chuyển nước sang lưu vực khác rất tai hại vì có thể ví như trích máu liên tục từ cơ thể một con người. Xây dựng các đập trên dòng chính sẽ biến dòng chảy liên tục theo trọng lực thành dòng chảy bậc thang làm thay đổi lớn lao, không thể đảo ngược chế độ thủy văn và hệ sinh thái. Các đập còn giữ lại một lượng trầm tích mà đáng lý ra được tải về châu thổ khiến cho dòng sông “đói trầm tích’ gây sạt lở bờ và đáy sông, và bờ biển.

Tác động từ phía biển là sóng, triều, dòng hải lưu, dòng chảy ven bờ; là xâm nhập mặn, ngập do nước biển dâng, và bão và áp thấp nhiệt đới, … Hai loại tác động từ nguồn và từ biển không tách biệt nhau mà quyện vào nhau ngay tại châu thổ, hay nói khác đi, châu thổ chịu sự tác động kép từ phía nguồn và từ phía biển. Mực nước biển dâng thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống

Làm gì trước nguy cơ chìm dần?

Khai thác cát dọc theo các sông. Mất đi nguồn trầm tích do xây dựng đập ở thượng nguồn + sụt lún tự nhiên + khai thác nước ngầm quá mức + xây dựng quá nặng trên nền đất yếu + khai thác cát trên các sông không quản lý được sẽ làm trầm trọng hơn mực nước biển dâng.  Nếu tình huống này kéo dài, đối diện với biến đổi khí hậu nước biển dâng, châu thổ sông Mêkông đứng trước nguy cơ chìm dần.

 Một tác động khác ở cấp độ châu thổ là việc mất rừng ngập mặn, tấm lá chắn xanh thiên nhiên bảo vệ bờ biển và một nôi đa dạng sinh học của đồng bằng. Chỉ cần so sánh ảnh vệ tinh vùng ven biển ở các thời điểm khác nhau sẽ thấy tốc độ mất rừng ngập mặn là đáng báo động trong ba thập kỷ qua và có một sự tương quan rõ giữa mất rừng ngập mặn với xói lở đường bờ biển.

Năng suất, diện tích canh tác và sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trong suốt hơn 20 năm qua là nhờ tăng từ một vụ, lên hai vụ và đang có xu thế lên ba vụ. Nhưng với đê bao để tăng vụ ba “ăn chắc”, đã xuất hiện tình trạng ngập sâu hơn, lũ rút chậm hơn ở nhiều nơi trong Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, làm thay đổi bức tranh ngập lũ ở các vùng trũng của đồng bằng. Phát triển chỉ có thể bền vững khi khai thác tài nguyên không phá vỡ sức chịu đựng của môi trường và không làm cạn kiệt tài nguyên.

Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, quy hoạch châu thổ sông Mêkông cần chú trọng đến những biện pháp công trình và phi công trình. Chỉ nên lựa chọn các giải pháp công trình mỗi khi đảm bảo tính khả thi, sự tồn tại lâu dài và hoạt động đạt hiệu quả cao. Sử dụng và ưu tiên lựa chọn các giải pháp công trình chuyển đổi được và các giải pháp phi công trình.

Điều quan trọng mà tác giả ghi nhận trong chuyến đi tham quan khảo sát ở Hà Lan tháng 10/2010, là ở đất nước mà 27% diện tích thấp hơn mặt nước biển (và vì vậy nổi tiếng về công tác quản lý nước) đã có một sự chuyển biến trong nhận thức, từ chinh phục (chế ngự) thiên nhiên sang thích nghi với thiên nhiên: một hệ thống bảo vệ an toàn không có nghĩa chỉ có “xây dựng các công trình và duy tu bảo quản”.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước)

Theo Theo KH&ĐS
back to top