Làm công nghệ cao, đừng chạy theo dự án, đề tài

(khoahocdoisong.vn) - Theo nhiều chuyên gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 nếu không có điểm nào mới, đột phá so với chương trình giai đoạn 2010 - 2020 thì nên chăng, đừng xây dựng chương trình mới nữa.

Không có điểm mới thì nên giữ lại chương trình cu

Theo các nhà khoa học, việc tiếp tục phải có chương trình phát triển công nghệ cao là cần thiết bởi chúng ta không thể đứng ngoài cuộc phát triển vũ bão của công nghệ hiện nay. Để tiến hành cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhất thiết phải có những đầu tư bài bản vào lĩnh vực công nghệ. Vấn đề là cách làm. GS Lê Đình Lương, Hội Di truyền học Việt Nam cho rằng, phát triển công nghệ cao phải dựa trên nhu cầu tự thân. Quốc hội, Chính phủ, các doanh nghiệp phải thấy sự cần thiết phải có khoa học công nghệ. Cần phải thúc đẩy khoa học công nghệ cao phát triển, trên nền tảng đó mới phát triển được những công nghệ tạo ra đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu cứ làm theo dự án, chỉ tiêu, đề tài rồi đến Bộ Tài chính xin thì khó tạo ra động lực cho cả giới trí thức khoa học công nghệ cao hoàn thành nhiệm vụ của mình để áp dụng cho kinh tế xã hội.

“Tôi có cảm giác chương trình công nghệ cao cũng như một số chương trình trước đây chúng ta làm chưa đúng cách. Động lực của nhà khoa học là làm khoa học để tiến lên bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Chúng ta đã chứng kiến khoa học ở Hàn Quốc và Trung Quốc phát triển thế nào, khoa học công nghệ cao là yếu tố quyết định sự hoá rồng của nền kinh tế. Đó là kết quả của áp dụng khoa học công nghệ cao vào kinh tế chứ không phải bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu con người được đào tạo. Chúng ta đừng làm theo cách cũ nữa mà hãy làm theo cách mới. Chúng ta đã không tạo được cú hích để tích hợp công nghệ cao vào phát triển khoa học và công nghệ xứng tầm của nó. Chưa tạo ra động lực phát triển cho cả lĩnh vực quan trọng là công nghệ cao.”, GS Lê Đình Lương chia sẻ.

Một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 không đạt yêu cầu bởi tư duy làm chính sách dẫn đến không khả thi. Xây dựng chương trình trong khi chưa có chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn này là một điều bất cập. Đối với chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2030, nếu không có điểm nào mới, hoặc có rất ít điểm mới so với chương trình giai đoạn 2010-2020 thì nên chăng cứ giữ lại chương trình cũ, không nên tốn thêm công sức xây dựng chương trình mới.

Cứ làm công nghệ thường đi, đừng vội làm công nghệ cao

TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu, tư vấn và phát triển, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc tổng kết chương trình cũ rất mù mờ, không nói rõ mục tiêu nào đạt, mục tiêu nào không. Cần đánh giá lại nghiêm túc chương trình công nghệ cao 2020 như thế nào, cái gì làm được, cái gì không. Trong chương trình mới không có bóng dáng thị trường, bởi công nghệ cao để làm gì nếu hoàn toàn không nói đến thị trường. Thị trường sẽ điều tiết chúng ta thực hiện lĩnh vực nào là chính. Trong bản đánh giá tổng kết chương trình đến năm 2020 có nói nhiều mục tiêu không thực hiện do vấn đề tài chính. Theo TS Phạm Bích San thì tài chính không phải là mấu chốt để phát triển khoa học công nghệ mà phải là việc tổ chức sử dụng đồng tiền như thế nào. Nếu cứ dồn tiền vào công nghệ cao thì công nghệ bình thường tính thế nào, phát triển ra sao? Và chắc chắn là chi phí hành chính, quản lý vẫn chiếm đa số chứ không phải là chi phí dành cho nghiên cứu thực sự. Trong khi vẫn chưa thể phát triển công nghệ cao cho xứng tầm của nó thì nên chăng, chúng ta cứ làm công nghệ thường cho tốt đi đã.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Vì sao một chương trình lớn về phát triển công nghệ cao lại “bỏ quên” phần đào tạo nhân lực, không có bất cứ nội dung nào nhắc đến việc đào tạo, cũng không hề có vai trò của nhà trường cũng như các viện nghiên cứu? PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng cho biết, ông đọc cả 22 trang mà không hề thấy bóng dáng các trường đại học. GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam cũng chung quan điểm này. Ông cho rằng trong nội dung của Chương trình 2030 không có một nội dung nào đầu tư cho con người. Trong khi để phát triển công nghệ cao xứng tầm với khu vực và thế giới, đáng lẽ ưu tiên đầu tiên phải là công tác đào tạo và nghiên cứu. Các dự án phát triển nguồn nhân lực phải là nền tảng, nhưng không hiểu vì lý do gì mà Chương trình 2030 lại loại bỏ nội dung đào tạo này.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, Chương trình 2020 không thành công, các mục tiêu gần như không đạt được là bởi ban hành chương trình rất cụ thể nhưng văn bản lại phổ quát toàn diện như bản chiến lược, cuối cùng không tập trung nguồn lực và không làm rõ được sản phẩm. Theo ông Quân, tới đây Bộ KH&CN chỉ nên tập trung vào một số sản phẩm đã thành công rồi như chip máy tính, công nghệ 5G, 6G... Mỗi ngành lĩnh vực chỉ nên chọn 1 sản phẩm, ngân sách nên đầu tư cho lĩnh vực doanh nghiệp không đủ năng lực, điều kiện để làm. Chỉ vài chục sản phẩm thành công là chương trình đã thành công rất lớn rồi. Xây dựng một chương trình giống như chương trình trước trong khi chương trình cũ đã không thành công thì không giải quyết được vấn đề gì .

Nhóm PV

Theo Đời sống
back to top