Lãi lớn, các hãng bay vẫn phàn nàn sắp "gãy cánh" vì thuế phí

(khoahocdoisong.vn) - Các doanh nghiệp vận tải hàng không đang đề nghị giảm các loại thuế, phí hạ tầng hàng không do chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19.

Nợ phí nhiều

Hôm trước, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, báo cáo về việc Bamboo Airways thực hiện hợp đồng đã kí kết với ACV.

Văn bản này, dù có lời lẽ nhũn nhặn, lại cho biết thực tế là từ tháng 5/2019 đến nay - tức là trước cả khi dịch Covid-19 bùng phát - Bamboo Airways thanh toán chậm trung bình 42 ngày so với thời hạn thanh toán qui định trong hợp đồng đã ký với ACV. Tính tới ngày 18/3/2020, Bamboo Airways đang nợ ACV gần 205,5 tỷ đồng.

Trong đó, nợ quá hạn là 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ hành khách (PSC) và soi chiếu an ninh hành khách, hành lí (PSSC). Đây là loại phí do ACV cung cấp trực tiếp cho hành khách, Bamboo Airways chỉ thu hộ cho ACV. Số tiền còn lại 71,4 tỷ đồng là dịch vụ mặt đất, dịch vụ cảng do ACV cung cấp trực tiếp cho Bamboo Airways.

ACV cho biết, từ tháng 5/2019 đến nay, ACV đã phát 24 văn bản yêu cầu Bamboo Airways thực hiện thanh toán các khoản nợ quá hạn.

Báo cáo cũng cho biết, theo chỉ đạo của Cục hàng không, ACV hiện đang có các chính sách để hỗ trợ Bamboo Airway nói riêng và các hãng hàng không nói chung trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid – 19.

Cụ thể, ACV đã quyết định giảm giá 7 dịch vụ tại các sân bay, từ tháng 3 đến tháng 8/2020. Theo đó, dịch vụ dẫn tàu bay giảm một nửa; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất giảm 10%. Ngoài ra, ACV miễn toàn bộ phí thuê văn phòng với các hãng hàng không dừng bay, giảm 30% cho các hãng vẫn duy trì bay.

Tuy nhiên, ACV cũng kiến nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không có hướng dẫn chi tiết các thủ tục trong trường hợp nếu dừng hợp đồng cung cấp dịch vụ cho BamBoo Airway do không thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng đã ký.

Trong khi đó, Bamboo Airways cho rằng chi phí một số hạng mục dịch vụ ACV cung cấp cho Bamboo Airways đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, cá biệt một số khoản cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi. Điều này dẫn đến phát sinh nhiều đợt kiểm tra, rà soát từ cả hai phía trong thời gian vừa qua, kéo theo các cuộc thảo luận song phương kéo dài, dẫn đến tiến độ chi trả bị trì hoãn, trong khi chờ đợi sự thống nhất cuối cùng từ hai đơn vị.

Bamboo Airways cũng cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường hàng không, khiến hoạt động của nhiều hãng hàng không – trong đó có Bamboo Airways - bị đình trệ, hàng loạt chuyến bay và đường bay phải dừng khai thác, doanh thu giảm sút đột ngột.

Do đó, Bamboo Airways cũng mong muốn nhận được hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, bao gồm điều chỉnh giảm hoặc xóa bỏ thuế, phí đối với một số dịch vụ, hoạt động chuyên ngành hàng không, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Cái gì đang cao

Việc các hãng máy bay “kêu” vì phải chịu nhiều mức thuế, phí vốn không là chuyện mới. Vấn đề này được nêu lại khi dịch Covid – 19 hoành hành khiến hoạt động của nhiều hãng hàng không bị đình trệ, hàng loạt chuyến bay và đường bay phải dừng khai thác, doanh thu giảm sút đột ngột.

Phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng ngày 12/3, Phó tổng giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương cũng cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Chính phủ nên miễn giảm từ 50% - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng… Ngoài ra còn cần nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền, giãn thời gian trả nợ do vòng quay vốn bị chậm lại…

Theo thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định.

Ngoài 16 khoản phí trên, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối...

Tính chung một chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Đấy là chưa kể các loại thuế như nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp này cho biết, đối với những khoản phí dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định khung giá, phí hiện nay, thường bị ACV áp mức kịch khung khiến doanh nghiệp phải "oằn mình" gánh phí, lợi nhuận của ACV ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào lợi nhuận giữa các hãng bay và ACV thì lại có thể thấy một thực tế không như những gì hãng bay phàn nàn. Cụ thể, trong 2 năm gần nhất là 2017 và 2018, ACV - doanh nghiệp được xem là độc quyền khai thác cảng với lợi nhuận khủng - chỉ trả cổ tức bằng tiền ở mức 9% mỗi năm. Tổng cộng ACV đã chi ra khoảng 3.260 tỷ đồng để chia cổ tức

Hãng bay đang đạt lợi nhuận khủng là một thực tế, khi ngay ông Trịnh Văn Quyết, người sáng lập và chủ Bamboo Airways, cũng tự tin tuyên bố sẽ có lãi ngay trong năm đầu hoạt động và thể hiện qua hàng loạt đề nghị thành lập hãng hàng không đang chờ Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt.

Cần lưu ý là, lợi nhuận khủng mà các hãng bay đạt được là ngay trong giai đoạn đang chịu "gánh nặng" về phí như chính các hãng đang nêu. Và ngay trong giai đoạn làm ăn tốt, các hãng bay cũng chưa ngớt phàn nàn về thuế, phí.

Theo Đời sống
back to top