Lại giải cứu

Lại giải cứu, lần này là củ cải. Hóa ra bao năm nay vẫn chẳng có gì thay đổi. Vẫn là kiểu làm làm ăn bấp bênh, trông chờ vào lòng tốt của mọi người như vậy.

Giải cứu củ cải.

Mấy hôm trước xem thời sự cảnh nông dân phải nhổ bỏ cả cánh đồng củ cải, thấy xót ruột.

Cứ mong lần này sẽ có giải pháp gì đó mới hơn. Ví dụ như giúp nông dân thu hoạch rồi hướng dẫn họ sơ chế, phơi hay muối củ cải… để khỏi phải đổ đi như thế. Hay có cơ sở sản xuất nông sản nào đó thu mua để chế biến. Hay tìm đường xuất ngoại cho củ cải…

Nhưng vẫn bổn cũ soạn lại. Vẫn lại là những người tình nguyện đi bán củ cải, giải cứu cho nông dân. Lại là những người dân ríu rít gọi nhau, hồ hởi đi mua củ cải, hùng hục chế biến đủ món từ củ cải, hởi lòng hởi dạ vì cảm thấy mình là người tốt.

Bỏ ra có mấy chục ngàn mà vừa được ăn, được cho, được cảm thấy mình là người tốt, thì đúng là một cái giá quá rẻ. Nhưng đó là vấn đề hết sức cá nhân, chỉ là giải pháp tình thế, hoàn toàn không mang tính lâu dài.

Mấy lần trước giải cứu hành đỏ, dưa hấu, thanh long, chuối… tôi cũng hồ hởi lắm. Nhưng lần này thấy hơi oải. Bởi hóa ra mấy năm rồi mà vẫn chưa có gì thay đổi cả.

Nông dân vẫn mạnh ai người nấy trồng, không cần biết đầu ra thế nào, không cần biết nhu cầu thị trường đến đâu. Nhà phân phối, nhà quản lý, nhà sản xuất vẫn thế, chưa chủ động được trước những diễn biến bất thường.

Có cảm giác lòng tốt của mình đang bị lạm dụng. Thực ra, chính người tiêu dùng chúng ta đang cần được giải cứu. Khi hàng ngày biết bao nhiêu tấn rau quả, thực phẩm được sản xuất, bán ra thị trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà vẫn tiêu thụ hết.

Thế nên, biết đâu những tấn củ cải bị đổ bỏ đó sẽ khiến người nông dân phải thay đổi cách làm để không gì phải giải cứu nữa.

Cần phải có giải pháp nào đó đại cục hơn về quy hoạch sản xuất và chế biến nông sản. Chứ không thể cứ làm ăn kiểu bấp bênh, trông chờ vào lòng tốt của mọi người như vậy.

Không thể cứ tự an ủi rằng, vẫn còn những người đồng cảm, còn chia sẻ, tức là vẫn còn người tốt, và yên tâm về điều đó. Trong khi phải nhìn vào thực tế, tại sao vẫn để xảy ra tình trạng như vậy. Có phải vì chúng ta làm ăn kém quá, thiếu tổ chức, thiếu kế hoạch quá?

Sẽ hiệu quả hơn nếu những người có trách nhiệm cũng có tấm lòng như thế để đừng xảy ra tình trạng đáng tiếc này.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top