Lạ kỳ chuyện "không làm vẫn có ăn" của Lâm trường Ngân Sơn

(khoahocdoisong.vn) - Trong hơn 20 năm, Lâm trường Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) không "trông coi" đất rừng được giao, kệ cho người dân sử dụng, khai thác. Đến khi rừng cho thành quả, lâm trường lại yêu cầu được ăn chia.

4 người đi đòi đất "đúng lý"

Lâm trường Ngân Sơn (nay thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn) được thành lập từ năm 1971. Trong giai đoạn từ khi thành lập đến những năm 90, lâm trường hoạt động theo mô hình tập trung bao cấp. Đến cuối những năm 90, cùng với sự chuyển đổi mô hình kinh tế trên cả nước, lâm trường Ngân Sơn đã bộc lộ các yếu kém trong hoạt động.

Cùng với đó, lâm trường cũng không đủ nguồn lực để quản lý hàng ngàn ha rừng được giao. Theo người dân sống tại tiểu khu III thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn), thời điểm đó tình trạng cháy rừng diễn ra triền miên, đất trống đồi trọc xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước thực tế đó, cùng với chủ trương giao đất rừng cho người dân được Quốc hội, Chính phủ đề xuất, từ năm 1991 - 1996, huyện Ngân Sơn đã cấp 160 quyết định giao đất với tổng diện tích 920ha cho người dân trên địa bàn thị trấn Ngân Sơn.

Sau khi người dân nhận đất, đã tiến hành trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đồng thời phát nương, làm rẫy, định canh định cư trên đất được giao. Thậm chí nhiều hộ gia đình đã được chính quyền huyện cấp sổ đỏ quyền sử dụng đất.

Đến năm 1999, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh, Lâm trường Ngân Sơn đã phát hiện có 131 hộ dân được huyện Ngân Sơn giao đất trùng với diện tích đất của lâm trường. Lâm trường đã có văn bản kiến nghị huyện Ngân Sơn và tỉnh Bắc Kạn giải quyết.

Tỉnh Bắc Kạn và chính quyền huyện Ngân Sơn đã lập tổ giải quyết vướng mắc. Tuy nhiên, bà Chu Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn thừa nhận, tổ giải quyết này chưa quyết liệt, sát sao trong công tác, thêm vào đó là thái độ lập lờ của Lâm trường Ngân Sơn nên vụ việc vẫn chưa sáng rõ.

Thực tế, thời điểm đó, Lâm trường Ngân Sơn đang trong quá trình chuyển đổi, nhưng chưa tìm ra được mô hình hiệu quả. Cho đến thời điểm này, Lâm trường vẫn đang “trong quá trình chuyển đổi”. Bà Huyền cho biết, đến nay cả bộ máy quản lý của lâm trường chỉ còn 4 người. Hay nói rõ hơn, dù có giao đất cho lâm trường, thì lâm trường cũng không đủ nguồn lực để quản lý, canh tác rừng.

Nhưng ngày 26/3/2009, các hộ dân bất ngờ nhận được Quyết định số 512 của UBND huyện Ngân Sơn về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định giao đất, giao rừng cho các hộ dân với lý do cấp trùng vào diện tích đất Lâm trường Ngân Sơn. Tổng số hộ dân bị thu hồi là 152 hộ với diện tích 853,6ha.

Quyết định trên được ban hành có ghi căn cứ theo biên bản họp Tiểu khu III, thị trấn Nà Phặc ngày 9/11/2004 về việc giải quyết đất Lâm trường Ngân Sơn. Nội dung biên bản thể hiện các hộ nhất trí giao lại đất cho Nhà nước thống nhất quản lý, việc lập biên bản để làm cơ sở lập hồ sơ hoàn chỉnh trình UBND tỉnh Bắc Kạn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Lâm trường Ngân Sơn.

Bà Hoàng Thị Thơm đi chăm sóc rừng.

Bà Hoàng Thị Thơm đi chăm sóc rừng.

Nhưng biên bản đồng thuận lại là... khống?

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các biên bản trên được lập khống. Theo bà Hoàng Thị Thơm tại tiểu khu III, bà và các hộ gia đình không hề tham gia họp thôn, cũng như không ký nhận bất cứ văn bản nào.

Do đó, bà Thơm và nhiều hộ gia đình khác không chấp nhận Quyết định 512 của huyện Ngân Sơn. Tuy nhiên, dù người dân vẫn định canh định cư trên đất được UBND huyện Ngân Sơn cấp thì việc thu hồi vẫn diễn ra trên… giấy tờ. Tức là báo cáo từ huyện lên tỉnh đều cho rằng đây là đất “sạch”, người dân đồng ý trả lại đất.

Do đó, Sở TN&MT đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn ký Quyết định 805/QĐ-UBND ngày 16/5/2014, phê duyệt cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lâm nghiệp tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn – đơn vị chủ quản của Lâm trường Ngân Sơn.

Đồng thời, với quyết định giao đất của tỉnh Bắc Kạn, Lâm trường Ngân Sơn cũng liên tục gây áp lực yêu cầu người dân chia lợi tức khi thu hoạch cây trồng trên đất. Theo bà Thơm, ban đầu, lâm trường đòi tỷ lệ là 5:5, sau đó giảm dần 4:6, 3:7…

Tất nhiên, người dân không chấp nhận việc lâm trường không hề chăm sóc cây mà vẫn đòi có thu hoạch. Lưu ý rằng, giữa người dân và lâm trường không hề có hợp đồng giao khoán, canh tác trên đất.

Đồng thời, nếu Quyết định 805 có hiệu lực, thì phần lớn các hộ dân đang sống trên đất của lâm trường (dù đã có sổ đỏ do huyện Ngân Sơn cấp) trắng tay. “Nếu bị thu hồi, trong tiểu khu III, 90% các hộ gia đình thành tay trắng, không đất đai, không nhà cửa”, bà Thơm nói.

Do đó, người dân đã khiếu kiện vụ việc này lên các cấp thẩm quyền yêu cầu xem xét xử lý.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 15/10/2019 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận số 1833, và ngày 14/11/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo số 2072/TB-TTCP về kết quả giải quyết tố cáo. Nội dung các văn bản này, và phương hướng xử lý vụ việc của UBND tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi sẽ thông tin ở bài tiếp theo.

Theo Đời sống
back to top