Kỹ thuật mới trong điều trị giãn tĩnh mạch dạ dày

Giãn tĩnh mạch dạ dày xảy ra trên những bệnh nhân có tăng áp tĩnh mạch cửa, mà nguyên nhân chủ yếu ở Việt Nam là xơ gan.

Khác với tĩnh mạch thực quản có thể kiểm soát dưới nội soi thắt vòng cao su, tĩnh mạch dạ dày kiểm soát dưới nội soi rất khó khăn, nhiều nguy cơ, không điều trị dứt điểm được. Khi đó can thiệp nội mạch có vai trò rất quan trọng.

Nút mạch được thực hiện ngược dòng với dù tắc mạch (PARTO), tuy nhiên điều kiện là phải tồn tại shunt vị thận (thông nối khoảng 80%), các trường hợp không có shunt vị thận, hoặc shunt vị thận không phù hợp thì có thể sử dụng phương pháp can thiêjp xuôi dòng qua tĩnh mạch cửa (antegrade transvenous obliteration - ATO).

da-day.jpg

Phù hợp với kỹ thuật này là bệnh nhân giãn tĩnh mạch dạ dày có nguy cơ vỡ, trên hình ảnh nội soi thấy các búi giãn lớn, có các điểm xung huyết hoặc loét khu trú và tiến triển nhanh; Giãn tĩnh mạch dạ dày đã vỡ, tái diễn nhiều lần;

Giãn tĩnh mạch dạ dày không kiểm soát được bằng điều trị nội khoa, nội soi can thiệp; Không tồn tại shunt vị thận; Bệnh nhân có nhu mô gan quá xơ, không có đường tiếp cận an toàn qua tĩnh mạch cửa, không giãn tĩnh mạch rốn.

Để thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân cần được khám lâm sàng với hồ sơ đầy đủ, làm các xét nghiệm thường quy và đánh giá chức năng gan, nội soi thực quản dạ dày. Các bệnh nhân có chức năng đông máu kém và dịch ổ bụng nhiều cần điều trị ổn định tình trạng trước can thiệp.

Trong quá trình thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân cần lưu ý nghe theo những chỉ dặn của bác sĩ. Ví dụ hít vào nín thở để bộc lộ tốt đường vào khi bác sĩ can thiệp đường vào qua siêu âm. Cần báo ngay những cảm giác bất thường như đau, khó thở để bác sĩ kịp thời xử lý

Kỹ thuật can thiệp dùng kim Angiocath chọc vào nhánh tĩnh mạch lách dưới hướng dẫn siêu âm, sau đó dùng dụng cụ can thiệp dưới hướng dẫn của DSA đi vào các nhánh tĩnh mạch cấp máu cho búi giãn bao gồm tĩnh mạch vị trái, tĩnh mạch vị sau và tĩnh mạch vị ngắn. Chụp chọn lọc từng nhánh, bơm vật liệu tắc mạch là keo sinh học, chụp đánh giá lại sau mỗi lần chụp để có thể nút tắc triệt để.

Sau khi thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân cần theo dõi tình trạng nôn máu và đi ngoài phân đen, mạch, huyết áp, tình trạng đau bụng, sốt (nếu có). Nội soi đánh giá tình trạng niêm mạc, tình trạng chảy máu, nguy cơ chảy máu của búi giãn.

Để phòng ngừa biến chứng, quan trọng nhất là điều trị bệnh lý nền, nguyên nhân gây tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Bất kỳ tình trạng bất thường gì như đau bụng, nôn máu, đi ngoài phân đen... bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Cũng như các kỹ thuật can thiệp xuôi dòng với đường tiếp cận khác, kỹ thuật này thường diễn ra trong thời gian từ 1giờ đến 1giờ30 tùy vào số nhánh nuôi và mức độ khó khăn khi tiếp cận.

BS Trịnh Hà Châu- PGS.TS Vũ Đăng Lưu (Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
back to top