Kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý dường như vẫn còn nể, sợ

ng Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1A, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghĩ rằng, hình thức xử lý với  ông Phạm Sỹ Quý Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái còn nhẹ. Việc chuyển một đảng viên vi phạm từ chính quyền sang hội đồng nhân dân như thế là không ổn.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Sau gần 4 tháng thanh tra, ngày 23/10, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc quản lý xây dựng khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cũng như việc kê khai tài sản liên quan đến khu đất ở. Một số sai phạm như không thẩm định nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng nhiều công trình không phép, kê khai tài sản không trung thực. Với những sai phạm này, ông Phạm Sỹ Quý bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức giám đốc Sở TN-MT, điều về làm phó văn phòng HĐND tỉnh. Ông đánh giá thế nào về hình thức xử lý này?

Trước tiên thì việc công bố kết luận thanh tra và có hình thức xử lý sai phạm với người đang có chức vụ như vậy là rất đáng mừng. Nó cho thấy quyết tâm của Đảng trong công tác chống tham nhũng.

Tuy vậy thì vẫn còn những điều cần phải làm rõ  hơn, như là với những sai phạm ấy thì theo các quy định của pháp luật phải xử lý thế nào, có đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, cũng phải làm cho rõ. Còn nếu chỉ cảnh cáo, cách chức thì sẽ là quá nhẹ với những sai phạm.

Xử lý như thế nào là nghiêm hơn?

Một giám đốc Sở mà có những vi phạm như thế có thể coi là lớn và nghiêm trọng. Như vậy thì ngoài cảnh cáo, cách chức, phải chịu trách nhiệm về những sai phạm cụ thể. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng phải làm.

Ở đây tôi cảm giác như có sự nể nang, né tránh, nương nhẹ. Ngay như việc công bố kết quả thanh tra cũng cứ chần chừ mãi, cảm giác như “vướng” ở chỗ nào ấy.

Nếu sai phạm đến mức cần xử lý hình sự mà chỉ cảnh cáo thì e là không ổn?

Cái này cơ quan cảnh sát điều tra phải vào cuộc làm rõ. Xem những sai phạm đó có nằm trong các khung để truy tố trách nhiệm không? Có hay không việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô tham nhũng?

Nếu đến mức phải xử lý mà cơ quan chức năng bỏ qua thì không được. Các hình thức xử lý hiện mới dừng ở hành chính, kỷ luật đảng mà chưa xem xét đến yếu tố vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ tới đây các cơ quan phải làm rõ, nếu sai phạm nghiêm trọng thì dứt khoát phải khởi tố thì mới nghiêm được.

Và như ông vừa nói thì những sai phạm đó là nghiêm trọng?

Mình không nắm rõ các tình tiết của vụ việc nên không dám nói là vi phạm đến mức nào. Qua các điểm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ thì tôi nhận định như vậy.

Một giám đốc sở TN&MT mà lại vi phạm đều là những vấn đề về đất đai thì phải xem kỹ xem vi phạm cụ thể ra sao. Một người nắm chắc các quy định của pháp luật, quyền lực ở trong tay mình, mà sai phạm, thì rất khó chấp nhận.

Tiền lương cả đời không đủ trả nợ

Một trong những nguồn tiền để sở hữu khối tài sản lớn ấy là do vay ngân hàng. Người ta đặt câu hỏi, một cán bộ ăn lương Nhà nước, vay ngân hàng gần chục tỉ đồng, thì liệu có khả năng trả nợ?

Một cán bộ công chức Nhà nước nếu chỉ có thu nhập bằng lương thì chắc chắn không đủ khả năng trả nợ số tiền đó. Có làm cả đời cũng không đủ trả nợ. Có chăng là phải lợi dụng vào những chuyện khác để có tiền trả nợ.

Ví dụ như chuyển đổi đất đai rồi bán để kiếm chác tiền, hay tham ô tham nhũng chỗ này chỗ khác, có khoản trong khoản ngoài thì mới có số tiền lớn đến hàng trăm triệu đồng trả nợ mỗi tháng.

Nên chăng, cũng phải làm rõ việc lấy nguồn tiền ở đâu để trả nợ số vay ấy?

Đúng thế, cần phải làm rõ. Có hay không chuyện tham nhũng, tiêu cực ở chỗ này chỗ khác để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Mà chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng nếu lương không thể đủ tiền trả ngân hàng thì đương nhiên người ta phải tìm cách khác.

Tôi chưa bao giờ phải vay ngân hàng nên cũng không rõ lắm mỗi tháng người vay gần chục tỉ đồng phải trả bao nhiêu. Đọc trên các báo thì thấy có tính toán cụ thể là nếu vay 20 tỷ đồng thì hàng tháng phải trả trên 200 triệu đồng. Đó là một số tiền quá lớn đối với cán bộ công chức, những người vẫn được coi là có mức lương thấp.

Theo ông phải làm rõ các yếu tố nào trong những khoản vay này?

Vay để làm gì, đầu tư vào những hạng mục nào, nguồn tiền nào để trả, làm gì có tiền để trả ngân hàng? Có hay không lợi dụng chức vụ để tiêu cực, nhũng nhiễu, xoay sở cho có tiền để trả ngân hàng?

Nếu dựa vào thu nhập chính đáng thì chắc chắn không trả được nợ. 1 tỉ cũng không trả nổi, nói gì đến cả chục tỉ. Cơ quan điều tra phải làm rõ thì mới “ra” hết được các sai phạm, trên cơ sở đó mới xử lý nghiêm minh, đúng đắn được.

Xử thế là không chấp nhận được

Với những sai phạm này, ông Phạm Sỹ Quý bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức giám đốc Sở TN-MT, điều về làm phó văn phòng HĐND tỉnh. Ông nghĩ sao về hình thức xử lý này?

Một người lãnh đạo vi phạm pháp luật, lại được điều chuyển sang cơ quan lập pháp, thì liệu có chấp nhận được không? Tôi cho rằng như thế là quá vớ vẩn. Người ta cứ loanh quanh luẩn quẩn, nể nang nhau hay làm sao ấy, chứ xử lý như thế là rất khó chấp nhận. Tôi cho rằng làm như thế là không đúng, không nghiêm, dường như đang né tránh, nể nang nhau hay gì đó.

Nhưng điều chuyển như thế thì cũng có thể hiểu là bị giáng chức?

Giả sử đang là giám đốc, bị hạ xuống là phó giám đốc thì có thể hiểu là hạ chức. Đằng này chuyển sang hội đồng nhân dân như thế thì không thể nói là bị hạ chức, mà chỉ là làm ở lĩnh vực được cho là ít bổng lộc so với vị trí cũ. Xử lý kỷ luật kiểu gì mà như thế.

Ông cho là không thỏa đáng?

Ở Yên Bái tôi được biết là có mấy trường hợp xử lý cũng cứ lùng nhùng kiểu đó. Vừa rồi dư luận tạo sức ép quá thì Thanh tra mới công bố kết luận về ông này (ông Phạm Sỹ Quý – PV).

Chứ không người ta cứ chần chừ, kiểu “để lâu cứt trâu hóa bùn” thì nó cũng dần quên đi. Đáng cảnh cáo thì chỉ khiển trách, đáng khiển trách thì cho qua để rút kinh nghiệm… Trong khi nếu làm nghiêm, sai đến đâu xử đến đấy, không nể nang, né tránh.

Dường như là chúng ta vẫn chưa thực sự nghiêm, xử lý sai phạm vẫn còn nể nang?

Gần đây có tình trạng kỷ luật mà không cách chức, chỉ cảnh cáo rồi cho thôi chức vụ. Trong Đảng không có hình thức kỷ luật cho thôi chức vụ, mà chỉ có cách chức, kỷ luật, cảnh cáo. Tôi cho rằng làm như thế là né tránh. Giả sử cán bộ vi phạm quy định của đảng viên thì cách chức đi cho nghiêm.

Đã kết luận là không còn đủ tư cách đảng viên mà lại cho thôi chức vụ chứ không phải là cách chức thì tôi cho là không hay lắm. Vừa rồi xử lý trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng như vậy, tôi cho là vẫn chưa quyết liệt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan tới khu đất tại tổ 42, 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục theo đúng nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Đối với ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh áp dụng hình thức kỷ luật “cảnh cáo”, cho thôi các chức vụ bí thư Đảng ủy, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở TN&MT. Đồng thời, cho thôi chức vụ giám đốc Sở TN-MT; điều động đến nhận công tác tại văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ phó văn phòng HĐND tỉnh.

Theo Đời sống
back to top