Kỳ 2: Trai 20 tuổi đã bị lóc tách động mạch chủ

(khoahocdoisong.vn) - Lóc tách động mạch chủ (LTĐMC) trước hay gặp ở độ tuổi từ 60 – 70 nhưng hiện tại nhiều thanh niên khỏe mạnh tự nhiên đau ngực và ngất xỉu vì bệnh. Đây là một một thảm họa thực sự của bệnh tim mạch.

Chậm 1 – 2 phút là có thể mất mạng

Anh Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi, Thanh Hóa) đang khỏe mạnh, bỗng nhiên xuất hiện đau ngực như xé, choáng váng và xỉu đi. Cấp cứu tại tuyến tỉnh anh được chẩn đoán LTĐMC type A, tràn máu màng ngoài tim và được chuyển cấp cứu ra Hà Nội. Nhưng tới cổng viện, anh đã rơi vào tình trạng mất ý thức, huyết áp tụt đột ngột, mất mạch… Dù được cấp cứu khẩn cấp nhưng anh vẫn không qua khỏi do chỗ lóc tách bị vỡ.

Còn trường hợp của anh Đỗ Văn H. (20 tuổi, Hà Nội) đang khỏe mạnh, bỗng nhiên đau thắt ngực, hoa mắt, loạng choạng và ngất xỉu. Anh được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E. Khi nhập viện anh đã rơi vào tình trạng hôn mê, trụy tim mạch, huyết áp kẹt, da tái lạnh và tím, vã mồ hôi, vô niệu, suy đa tạng… nguy cơ tử vong cận kề.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, ngay khi tiếp nhận e kíp cấp cứu lập tức vừa hồi sức cấp cứu vừa chuyển bệnh nhân lên phòng mổ, đồng thời làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả siêu âm tim cho thấy, bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ (ĐMC) đang chảy máu nên được phẫu thuật ngay, nếu chỉ chậm 2 – 3 phút nữa có thể sẽ tử vong. Sau 6 giờ cố gắng lấy huyết khối trong thành ĐMC, khâu lại các lớp áo ĐMC, thay đoạn ĐMC lên bằng động mạch nhân tạo và bắc cầu ĐMC ...ca mổ đã thành công.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, ĐMC là động mạch lớn nhất, đưa máu từ tim tới các cơ quan trong toàn cơ thể. Bình thường, ĐMC có 3 lớp: nội mạc, xơ chun (lớp áo giữa) và áo ngoài. Phình lóc tách xảy ra khi có tình trạng tách xé rách lớp áo trong và áo giữa tại một vị trí yếu nhất. Giữa lớp áo giữa và lớp áo ngoài sẽ có một dòng máu dưới áp lực gây lóc tách lan rộng trên toàn bộ động mạch chủ. Phần máu lưu thông giữa lớp áo giữa và áo ngoài bị lóc tách gọi là lòng giả, phần này rất mỏng và dễ vỡ gây chảy máu ồ ạt.

LTĐMC còn gây nguy cơ thiếu máu các tạng do lóc tách lan vào gốc các động mạch nuôi các tạng (ruột, gan, thận). LTĐMC xuất phát từ ĐMC lên (là phần đầu ĐMC, đi từ tim cho tới các động mạch đi lên não và 2 tay), được gọi là LTĐMC type A. LTĐMC xuất phát từ ĐMC xuống được gọi là lóc tách type B.

Bệnh nhân LTĐMC type A gần như chắc chắn sẽ tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời. Nguyên nhân tử vong chính là vỡ ĐMC vào màng tim gây ép làm ngừng tim, lóc tách vào lỗ các động mạch vành làm tắc động mạch vành, hở van ĐMC gây suy tim cấp hoặc tắc các mạch máu não gây đột quỵ. Nếu tăng thêm 1 giờ chờ đợi, sẽ tăng thêm 1% nguy cơ tử vong. Khoảng 50% bệnh nhân tử vong trong 48 giờ đầu, 75% trong tuần đầu và tới 90% trong tháng đầu. Lóc tách ĐMC type A vỡ vào màng tim gây ép tim cấp tử vong gần như 100%.

Người cao huyết áp cần chú ý

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, trước đây, LTĐMC hay gặp ở độ tuổi từ 60 – 70, nhưng hiện gặp rất nhiều ở người trẻ. Triệu chứng bệnh thường đa dạng dễ nhầm với bệnh cảnh cấp cứu khác (đau ngực, ngất, tai biến mạch máu não, liệt hai chi, ngừng tim…).

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh chính là do giãn ĐMC hoặc tăng huyết áp gây rạn nứt nội mạc lòng mạch, sau đó máu sẽ thấm qua vết nứt. Vì vậy, người trẻ bị tăng huyết áp không kiểm soát tốt hoặc phụ nữ trong giai đoạn mang thai (thai nghén làm tăng nguy cơ của phình tách ĐMC: 50% biến cố xảy ra ở tuổi < 40, trong 3 tháng cuối hoặc giai đoạn sau đẻ) rất hay bị.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, phẫu thuật điều trị LTĐMC type A có liên quan đến quai ĐMC là phẫu thuật nặng, dù ở các trung tâm phẫu thuật tim có trình độ cao trên thế giới, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao, từ 10 - 20%. Vì vậy, đứng trước một tình trạng đau ngực, đau giằng xé theo kiểu cơn nhồi máu cơ tim, đau xuyên qua lưng lên bã vai... thì bác sĩ khám ở tuyến dưới cần nghĩ ngay đến 2 nguyên nhân gây chết người: Một là nhồi máu cơ tim, hai là lóc tách ĐMC. Trong trường hợp này cần phối hợp với các đơn vị chuyên khoa để chuyển bệnh nhân tới trong thời gian vàng.

Tại Bệnh viện E có một ê kíp cấp cứu luôn sẵn sàng, bệnh nhân vào cấp cứu nếu có nghi ngờ là chuyển ngay vào mổ tim mạch, không đợi làm xét nghiệm hay chiếu chụp. Vì vậy, các ca đột quỵ, nhồi máu cơ tim, LTĐMC... vào Bệnh viện E chỉ sau 30 phút đã được xử lý.

Để tránh tình trạng bóc tách ĐMC, GS.TS Lê Ngọc Thành khuyên, những người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, hút thuốc lá, gia đình có người phình ĐMC, cảm giác mạch đập gần rốn, nếu chứng phình động mạch xảy ra ở bụng, đau ở vùng bụng hoặc ngực, đau lưng… thì nên thường xuyên siêu âm để phát hiện và điều trị kịp thời tránh để ĐMC phình bị bóc tách hoặc vỡ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top