Kỳ 2: Cai quản quân Thần Sách

Trong triều đình nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt là người nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông cũng đã từng dâng sớ về triều nói việc khổ của dân, xin tha thuế cho dân, lại phải lựa quan trấn để an dân.

Giữ nhiều chức vụ quan trọng

Tượng thờ Lê Văn Duyệt

Sau khi nhà Nguyễn thành lập, ông trở thành vị quan, tướng quân giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Năm 1802, được phong “Khâm sai Chưởng tả quân dinh Bình Tây tướng quân, tước quận công” để cùng thống chế Lê Chất dẫn quân thu phục đất Bắc Hà trong một thời gian ngắn.

Tháng 3 âm lịch năm 1803, Lê Văn Duyệt phá tan cuộc nổi dậy của người dân thiểu số ở Vách Đá (Quảng Ngãi) được vua khen thưởng. Tháng 8 cùng năm, cha Lê Văn Duyệt được vua cho mời ra Huế ban khăn áo.

Năm 1808, vua lại sai Lê Văn Duyệt mang quân đến Vách Đá. Thấy phó quản cơ Lê Quốc Huy vì nhiễu hại quá nên dân mới nổi dậy, Lê Văn Duyệt bèn xin lệnh chém chết viên quan này, cuộc nổi dậy tự tan, từ đó Quảng Ngãi được yên ổn.

Tháng 7/1812, Lê Văn Duyệt được vua Gia Long giao làm Tổng trấn Gia Định lần thứ nhất (1812-1815), cai quản đất Bình Thuận phía Bắc và xứ Hà Tiên phía Nam, kiêm bảo hộ Chân Lạp.

Tháng 3/1813, Lê Văn Duyệt đem 13.000 thủy quân đưa Nặc Chân về làm vua Chân Lạp. Tại đây, ông thấy quân Xiêm luôn dòm ngó Chân Lạp bèn xin vua Gia Long cho đắp thành Nam Vang cho vua nước này ở, đắp thành Lô Yêm để trữ lương, đồng thời lưu binh đồn trú ở lại bảo hộ (Nguyễn Văn Thoại được cử ở lại). Tất cả đều được vua nghe theo.

Năm 1815, Lê Văn Duyệt được triệu về Huế để bàn việc định ngôi thái tử. Khi ấy, Nguyễn Huỳnh Đức thay ông làm Tổng trấn và Trịnh Hoài Đức làm Hiệp trấn.

Tháng 4 âm lịch năm 1816, nhà vua lệnh thâu ấn của Nguyễn Văn Thành, giam Nguyễn Văn Tuyên (con Nguyễn Văn Thành) vào ngục vì Nguyễn Văn Tuyên có làm bài thơ bị Lê Văn Duyệt cho là có ý mưu phản.

Tháng 5 năm đó, dân thiểu số ở Vách Đá lại nổi dậy, Trấn thủ Phan Tấn Hoàng đánh bị thua. Vua Gia Long lại phải sai Lê Văn Duyệt đem quân tới dẹp loạn.

Dẹp quân nổi loạn, nhận con nuôi

Tháng giêng năm 1819, Lê Văn Duyệt nhận lệnh đi kinh lược các vùng Thanh Hoá, Nghệ An và Ninh Bình. Vì những nơi này thường mất mùa,  đói kém, sinh ra nhiều trộm cướp, quan sở tại không kiềm chế được.

Thị sát tình hình tận nơi, ông dâng sớ về triều “nói việc khổ của dân, xin tha thuế cho dân, lại phải lựa quan trấn để an tập dân”; đồng thời xin xuất thóc trong kho cứu đói và ân xá cho những người ra hàng, tha cho những người bị buộc phải đi theo quân nổi dậy, thu nạp họ lập thành ba đội lính hồi lương.

Sau một năm, hai trấn đã ổn định. Năm 1820, Lê Văn Duyệt dẹp yên cuộc nổi dậy của Sư Kế, người Khme. Tại Thanh Hoá, ông nhận Lê Văn Khôi là con nuôi. Lê Văn Khôi nguyên là người Cao Bằng, vì khởi binh chống Nguyễn, bị quan quân đuổi đánh phải chạy vào Thanh Hoá, gặp Lê Văn Duyệt đang làm kinh lược ở đây bèn xin ra đầu thú.

Tháng 9 âm lịch, Lê Văn Duyệt được triệu về triều. Sang tháng 12 âm lịch, vua Gia Long cho đòi ông và Phạm Đăng Hưng vào cung lãnh di chiếu, tôn Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi (tức vua Minh Mạng). Đồng thời nhà vua cho ông cai quản quân 5 dinh Thần sách.

Cũng trong năm này, thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt, nhà vua cho xây Trường luỹ (Tĩnh Man trường luỹ) dài xấp xỉ 200 km, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) để phòng ngự các cuộc nổi dậy của người thiểu số ở đây.

(còn nữa)

TS  Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top