Kỳ 1: Đằng sau cuộc đua sân golf: Sự “vội vã” đầy toan tính

(khoahocdoisong.vn) - Sau thời điểm phát triển nóng, sân golf quy hoạch bắt đầu được siết chặt.

Theo quy hoạch, “chốt” đến năm 2020 dự kiến cả nước được phát triển 96 sân golf, như vậy đến nay (năm 2019) là thời điểm cận kề để thực hiện. Có thể vì lý do ấy, những năm gần đây có hàng loạt các dự án sân golf mới đang “vội vã” trình, xin bổ sung để kịp “lọt” danh sách được quy hoạch.

Thị trường sân golf Việt Nam có những thăng trầm, phát triển theo từng giai đoạn. Trước năm 2006, số lượng dự án có mục tiêu sân golf trên cả nước chưa đầy 80, đến cuối 2008 bùng nổ leo lên 166 dự án, chiếm hơn 50.000ha đất các loại. Hàng loạt các dự án “ngốn” vài trăm hecta đất được triển khai, nhưng cũng không ít dự án phải dừng bởi "ăn" quá nhiều đất rừng, đất trồng lúa, hay tác động xấu đến môi trường….

Đặc điểm nổi bật của các sân golf là “ngốn” hàng trăm hecta đất, kèm theo là tổng mức đầu tư lớn. Nhiều năm qua việc đầu tư các dự án sân golf đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhưng cũng khiến đất nông nghiệp, đất rừng bị thu hẹp. Thị trường sân golf luôn được coi là “mỏ vàng” dành cho số ít doanh nghiệp.

Bùng nổ sân golf

Năm 1991, Việt Nam chính thức mở cửa phát triển cho golf, với dự án xây dựng sân golf ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1993, sân golf 18 lỗ King Island tại Đồng Mô (Hà Nội) khai trương – mở đầu sự ra đời sân golf đầu tiên tại miền Bắc. Tới năm 2010, cả nước có 18 sân golf đang hoạt động nhưng có tới 140 dự án có mục tiêu sân golf (đã được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện) ở 41 tỉnh thành.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng đất cho dự án có mục tiêu sân golf (đến tháng 12/2008) khá chi tiết. Cả nước có 166 dự án có mục tiêu kinh doanh sân gofl, diện tích 52.739 ha, nằm trên địa bàn của 41/64 tỉnh thành, tập trung nhiều ở Hà Nội 19 dự án, Vĩnh Phúc 4 dự án, Quảng Ninh 7 dự án, Khánh Hòa 10 dự án, Lâm Đồng 11 dự án, TP.HCM 7 dự án, Long An 3 dự án, Bà Rịa -Vũng Tàu 14 dự án;

Diện tích đất nông nghiệp sử dụng trong các dự án có mục tiêu sân golf là 10.546 ha, chiếm 19,99% đất dành cho các dự án, trong đó đất trồng lúa là 3.000 ha, chiếm 28% đất nông nghiệp và chiếm 5,6% đất dành cho các dự án.

Tuy nhiên, diện tích đất quy hoạch cho chức năng làm sân golf chỉ là 16.850 ha/52.739 ha, (chiếm 31,95% diện tích đất các dự án có mục tiêu sân golf); còn lại diện tích đất cho các mục đích đất xây dựng khu đô thị, khu du lịch, sinh thái, giải trí, trung tâm thương mại chiếm tới 68,05% diện tích dự án.

Rõ ràng thời kỳ này các dự án mang hình hài mục tiêu sân golf nhưng lại mang xu hướng chiếm dụng đất để kinh doanh khu đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng tương đối rõ nét.

Sự gia tăng “chóng mặt” của các dự án sân golf thời kỳ này, mà trong đó là hàng loạt các “đại gia” đua nhau đầu tư với quỹ đất khổng lồ. Tuy nhiên, hệ lụy từ đây cũng bắt đầu nảy sinh. Trong đó đất nông nghiệp dần bị thu hẹp và vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng được báo động.

Số liệu nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi năm, mỗi sân golf cần sử dụng lượng nước tới khoảng 60m3/ha. Một sân golf 18 lỗ (như sân golf Đồi Cù – Đà Lạt hoặc Kim Nỗ - Hà Nội) cần 150.000m3 nước sạch mỗi tháng – tương đương nhu cầu của 2 vạn hộ dân. Lượng nước này thường lấy từ sông hồ/nguồn nước ngầm tại chỗ ảnh hưởng tới trữ lượng nước ngầm.

Một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp). Trong đó, có các chất như axit silic, ooxxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…Đó là vài “báo động đỏ” do ngành TN&MT phát đi từ Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010.

"Chạy" quy hoạch

Sau giai đoạn bùng nổ các dự án sân golf, tháng 8/2009, Chính phủ vào cuộc – với Công văn 5559/VPCP-ĐP truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc quản lý các dự án có mục tiêu sân golf. Rà soát sau đó (năm 2009), một số tỉnh thành đã loại bỏ toàn bộ/một số dự án sân golf (Thái Nguyên 1 dự án, Bắc Ninh 2 dự án; loại bỏ một phần, gồm: Hà Nội 11 dự án, Phú Thọ 1 dự án, Vĩnh Phúc 1 dự án, Quảng Ninh 1 dự án, Thừa Thiên - Huế 1 dự án..)

Tháng 11/2009, Thủ tướng ban hành Quyết định 1946/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Theo quy hoạch được duyệt, cả nước có 89 sân golf, trong đó 19 sân đã hoạt động, 70 sân dự kiến quy hoạch. Như vậy, so với kết quả rà soát số sân golf tiếp tục bị loại bỏ là 51 dự án (có 7 tỉnh không còn dự án sân gofl, 13 tỉnh có dự án sân golf dừng triển khai, có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, bãi bỏ chủ trương xây dựng).

Đến tháng 5/2014, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, ý kiến của các bộ, ngành Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020. Theo đó, đưa 09 sân golf và giai đoạn II của 01 sân golf ra khỏi danh mục các sân golf, đồng thời bổ sung thêm 15 sân golf nâng tổng số các dự án sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 thành 96.

Kèm theo đó phải đảm bảo điều kiện không được sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf; Không được sử dụng đất đã cấp cho việc xây dựng sân golf để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Thời gian 2014-2016, rất ít dự án (trong quy hoạch) được mạnh thực hiện. Nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều dự án sân golf (thuần túy hoặc có mục tiêu sân golf) “dồn dập” trở lại với hình thức điều chỉnh quy mô, hoặc đề nghị cấp được bổ sung vào quy hoạch.

Điển hình, từ 2017 tới nay, tính sơ sơ có khoảng 15 dự án (có sân golf) được đề nghị Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch sân golf, như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lào Cai, Quảng Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Tuyên Quang, Hải Dương… Trong đó, thậm chí có dự án đề nghị lấy đất có nguồn gốc quản lý, sử dụng liên quan tới quốc phòng (như dự án sân golf Long Biên tại Thủ đô, mới hơn là tại tỉnh Cà Mau), hay có những dự án “ăn” vào đất rừng, rừng phòng hộ,...

Trong sự cấp tập tới vội vàng ấy, không ít trường hợp cơ quan chức năng địa phương đã tính trước việc điều chỉnh mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nhằm bảo đảm yêu cầu pháp lý của dự án – trước khi trình phê duyệt, xin chủ trương từ cấp có thẩm quyền (ở đây là Chính phủ). Có thể nhận ra điều này rõ nhất ở một dự án vừa được tỉnh Hòa Bình gửi lên các Bộ xin ý kiến trước khi trình Thủ tướng (dự án này, nếu đề xuất được thông qua, sẽ “nuốt” gọn hơn 150 ha đất rừng sản xuất của tỉnh)…

Thống kê trên, chỉ là phần nổi của thị trường dự án golf bởi ẩn sau đó là có thể coi là “mỏ vàng” dành cho số ít doanh nghiệp. Vậy việc đầu tư các dự án sân golf tại các địa phương những năm gần đây ra sao, những quy định cụ thể về điều kiện đầu tư sân golf tại Quyết định của Thủ tướng đã được thực hiện triệt để hay chưa?

Báo Khoa học & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin trong số tới.

Theo Khoa học & Đời sống
back to top