Kinh tế Việt Nam 2019: Nhiều đỉnh nhưng chưa bền vững

(khoahocdoisong.vn) - Với GDP ước đạt khoảng 7,02%, năm 2019 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dầu vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước chứ không phải khu vực FDI.

Vài doanh nghiệp “hắt hơi sổ mũi” ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu

Tại Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta nói kinh tế năm 2019 đạt và vượt 12 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, còn lại nhiều chỉ tiêu đạt. Tuy nhiên, đằng sau cái đạt và vượt đó có những chỉ tiêu liên quan đến môi trường nói là đạt, nhưng môi trường sống như TP Hà Nội và TPHCM lại kém hơn. Bởi vậy chúng ta nên nhìn lại và đánh giá kết quả đạt được.

Theo ông Cung: “Xuất nhập khẩu cũng vậy, đạt trên 500 tỷ USD, chỉ là mặt được của vấn đề. Đằng sau con số tăng trưởng đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, độ rủi ro rất cao. Xuất khẩu cao chủ yếu do doanh nghiệp (DN) nước ngoài, như vậy, kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc mức độ nào đó vào đầu tư nước ngoài (FDI) và cũng phụ thuộc vào một số thị trường".

Theo TS Võ Duy Nghi, kinh tế phải đa dạng thị trường, nhưng nhìn vào cơ cấu xuất khẩu năm 2019, cả ở thị trường gia tăng và thị trường giảm xuống đều thấy sự rủi ro, dễ bị tổn thương. Ngoại thương chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu là một tín hiệu đáng mừng sau hàng thập kỷ nhập siêu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các DN FDI mới là nhân tố chính góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ cần một vài doanh nghiệp lớn như Samsung “hắt hơi sổ mũi” sẽ kéo theo kim ngạch xuất khẩu cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu giảm còn do các công trình đầu tư chậm tiến độ, chậm giải ngân, những điều này cũng góp phần giúp cán cân thương mại nghiêng về phía xuất khẩu.

Tăng trưởng của Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư, trong khi hiệu quả đầu tư vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Hàng loạt công trình đầu tư lãng phí, thất thoát, chậm tiến độ trong thời gian qua, điển hình như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú, thép Thái Nguyên... Đây chính là những nhân tố góp phần làm nên tăng trưởng ngày hôm nay, nhưng cũng sẽ là những “quả bom nổ chậm” kéo lùi sự tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm nữa.

ThS Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank nhận định, bên cạnh những thành công, nền kinh tế của Việt Nam còn có rất nhiều thách thức, khó khăn phải đương đầu trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Ví dụ như năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%, nhưng cơ cấu thị trường cũng đặt ra những lo ngại.

Trong khi tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 30% thì ở các thị trường lớn, truyền thống mức độ tăng trưởng lại tương đối thấp khoảng dưới 4% và Việt Nam vẫn tiếp tục nhập siêu rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Nếu nhìn lại những năm trước, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang chậm lại rõ ràng. Năm 2016, 2017 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 20% hiện đã giảm xuống 8%.

Vẫn đầy những lo âu tiềm ẩn

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thế giới đánh giá cao và ấn tượng trước tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%. Thậm chí đã xuất hiện dự báo tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ duy trì khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và mặc dù chịu ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng cao, song nhiều khả năng chỉ số giá tiêu dùng cả năm vẫn sẽ nằm trong chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đáng lưu ý, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu, giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp.

Năm 2019 ước xuất siêu 9,9 tỷ USD. Kết quả này giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.

Với xếp hạng cao về thu hút đầu tư, đứng thứ 8 trong số các nước đáng đầu tư nhất, vượt 23 bậc so với năm ngoái, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư kỷ lục trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đáng chú ý môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.

Đời sống nhân dân được nâng lên khi với quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỷ USD, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh nền kinh tế nhiều đỉnh vẫn đầy những mảng tối lo âu. Muốn có nền kinh tế thực sự có chất lượng, thì không được đổi tăng trưởng bằng ô nhiễm môi trường. Chính phủ phải mạnh tay hơn với các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân. Minh bạch hóa các thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tăng lòng tin của người dân và nhà đầu tư. Chính phủ cần xem xét lại việc khai thác tài nguyên để bảo đảm sử dụng hợp lý và hiệu quả, không để tình trạng khai thác và bán tài nguyên, khoáng sản với giá thấp.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, GDP của nước ta năm 2019 đạt 7,02% chủ yếu nhờ khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng 17%, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 19%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước và cao hơn khu vực đầu tư nước ngoài.

Do vậy, muốn phát triển kinh tế bền vững phải thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Cần cổ phần hóa các DNNN, tạo điều kiện để DNTN trong nước liên doanh, liên kết, ưu tiên mua cổ phần của DNNN. DNTN dần nắm giữ cổ phần của DNNN rồi lớn lên chắc chắn sẽ đưa đất nước phát triển hơn.

Theo Đời sống
back to top