Kinh tế internet Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực

(khoahocdoisong.vn) - Kinh tế internet (Internet Economy) trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD trong năm 2020. Dự tính đến năm 2025, quy mô kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ vượt mốc 300 tỷ USD.

Theo báo cáo thường niên e-Conomy SEA 2020 của Google. Temasek và Bain & Company, tính đến thời điểm hiện tại, số người sử dụng internet đạt con số 400 triệu, tăng 40 triệu người sử sụng so với năm 2019, chiếm 70% tổng dân số trong khu vực.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp truyền thống, ít tận dụng các nền tảng số, các giải pháp công nghệ số thường bị tổn thương nặng nhất.

Những doanh nghiệp có tốc độ chuyển đổi số cao hơn ít chịu tác động tiêu cực hơn, thậm chí còn tăng trưởng tốt hơn.

Có thể thấy rằng, Covid-19 đang mang lại sự bùng nổ áp dụng kinh tế số. Lượng khách hàng tham gia mua sắm, giao dịch trên các nền tảng số tăng từ 30 - 55%. Trong đó, tỷ lệ này ở Việt Nam là 41%, cao nhất Đông Nam Á.

Hầu hết người dùng internet (90%) cho biết, họ sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ kinh tế số ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Quy mô kinh tế internet ở Việt Nam trong năm 2020 đứng thứ 3 trong khu vực, đạt 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019. Dự báo, trong vòng 5 năm tới, kinh tế internet của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 52 tỷ USD, tương đương tăng 29%, và đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Năm 2019, tổng cộng có 151 thương vụ rót vốn trị giá 935 triệu USD vào các lĩnh vực internet ở Việt Nam. Riêng quý I/2020, có 327 triệu USD chảy vào 73 thương vụ.

Nổi bật nhất trong tăng trưởng kinh tế internet của Việt Nam là dịch vụ tài chính số (giao dịch qua banking app). Năm 2020, Việt Nam dẫn đầu các nước trong khu vực về tăng  trưởng người dùng mobile banking app, với mức tăng 73%.

Ngoại trừ du lịch, các lĩnh vực kinh tế internet vẫn tăng trưởng tốt, trên các xu hướng kinh doanh như: thương mại điện tử tăng 46%, dịch vụ xe công nghệ tăng 55%, giao đồ ăn tăng 44%, dịch vụ tài chính số tăng 73%…

Từ năm 2019 về trước, rào cản lớn để phát triển kinh tế internet Việt Nam là tiếp cận internet, tài trợ vốn, niềm tin của người tiêu dùng, thanh toán, logistics và nhân tài. Nhưng sau cú hích của Covid-19, các yếu tố trên đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là yếu tố thanh toán trực tuyến và niềm tin của người tiêu dùng. Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là nhân tài. Báo cáo e-Conomy nhận định, muốn đảm bảo duy trì đà tăng trưởng tốt của kinh tế internet, Việt Nam cần phải cải thiện yếu tố nhân lực, những người có tài năng thật sự để tham gia phát triển kinh tế kỹ thuật số.

Theo Đời sống
back to top