Kính phản quang trên cao ốc gây chói mắt

(khoahocdoisong.vn) - Tòa cao ốc kính màu vàng ở Đà Nẵng được phản ánh gây chói lóa cho những người sống xung quanh và người đi đường. Việc lạm dụng kính trong các tòa nhà cao tầng dễ làm hao tổn năng lượng và hủy hoại môi trường.

Trồng cây xanh không có tác dụng

Sự việc tòa cao ốc lắp kính vàng phản quang đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau khi Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư hai công trình cao ốc lắp kính vàng gây chói mắt phải khắc phục, sửa chữa, không gây bức xúc cho người dân, Công ty CP PAVNC, chủ đầu tư công trình dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower (lô A2-1, A2-2 đường Như Nguyệt, quận Hải Châu) đã đề xuất phương án trồng cây giảm phản quang. Cụ thể, tại khu vực tầm thấp (tầng 4 trở xuống), chủ đầu tư sẽ trồng cây xanh lề đường dọc khu dân cư, bên cạnh đó, ngay sau công trình phần hướng về nhà dân, PAVNC trồng 2 hàng cây 2 tầng, trong đó tầng cao trồng các cây 20 - 30m, tầng thấp trồng các cây 10 - 20m.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, đối với những công trình lựa chọn sai vật liệu như cao ốc kính vàng này thì chỉ có giải pháp duy nhất là thay toàn bộ kính. Việc trồng cây xanh không có tác dụng đáng kể do độ phản quang từ tòa nhà rất lớn, ảnh hưởng đến tầm nhìn, gây chói mắt người tham gia giao thông từ rất xa. Độ chói từ tòa nhà không xuất phát tại một điểm mà tùy thuộc vào độ cao, sự di chuyển của con người cũng như tùy vào ánh chiếu của mặt trời tại từng thời điểm trong ngày. Hơn nữa, càng lên cao độ phản quang càng mạnh vì thế, đề xuất trồng cây xanh ở tầng thấp phải bảo đảm về khoảng cách giữa các cây, do đó, ánh sáng chói chỉ bị hạn chế nhưng vẫn phản chiếu thẳng vào người đi đường.

Ở nhiều nước, tất cả các yếu tố gây cản trở, khó khăn tác động tới hệ cảm giác của người lưu thông trên đường đều được kiến nghị và phải dỡ bỏ. Thực tế hiện nay, tại các đô thị lớn ở Việt Nam, có rất nhiều công trình nhà cao tầng vô tư sử dụng các loại kính màu nổi bật, màu nóng với độ phản quang mạnh khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến môi trường như làm gia tăng nhiệt độ, tăng hiệu ứng nhà kính, lãng phí năng lượng… Hầu hết các tòa nhà cao tầng hiện nay sử dụng rất nhiều kính, đa phần là loại kính được sử dụng thường có màu sắc trung tính, nhưng vẫn tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Tác động xấu tới môi trường

Theo GS Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, nguyên giảng viên Đại học Xây dựng, Việt Nam hiện chưa có một quy chuẩn riêng về kính (nhất là kính ốp mặt tiền đối với các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng, công trình tiêu thụ nhiều năng lượng...). Có một số tiêu chuẩn về kính được khuyến khích áp dụng nhưng cũng chỉ liên quan đến độ bền, độ an toàn, va đập... chứ chưa lưu ý đến hệ số phản quang, hấp thụ nhiệt, truyền sáng...  Tòa nhà sử dụng kính để ốp mặt tiền do có hệ số phản quang lớn và phát sinh các các vấn đề môi trường như hiệu ứng nhà kính, nhiệt năng phát sinh... Đó là chưa kể nhà kính gây chói mắt và nóng nên người ta phải kéo rèm, bật điều hòa, bật điện chiếu sáng... Lượng khí nóng thải ra từ các máy điều hòa cũng gây ảnh hưởng đến môi trường.  

Nhà kính là sản phẩm của các nước hàn đới. Lúc đầu, với tác dụng bảo ôn của kính, người ta dùng kết cấu kính thép để xây phòng nhiệt, phun hơi ẩm. Tuy nhiên, những nhà kính loại này phản sinh thái. Kính có thể cho ánh sáng mặt trời sóng ngắn xuyên vào phòng. Sự bức xạ nhiệt trong phòng lại là bức xạ sóng dài không dễ thoát ra khiến sự tích nhiệt trong phòng càng nhiều, gây ra hiệu ứng nhà kính.

KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay, ở Nhật Bản và các nước, trong thiết kế đô thị chỉ nói riêng về màu sắc thôi, người ta có cả một tập trình bày rất kỹ. Họ làm một thang màu từ màu sáng tới màu tối và khoanh vùng đoạn nào được làm, đoạn nào không được. Để quy hoạch và quản lý hiệu quả, rất cần xây dựng những nguyên tắc chung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa các lợi ích của nhân dân, nhà đầu tư, Nhà nước.

Theo Đời sống
back to top