Kinh doanh khởi sắc, Vinalines "không dám" đặt cao mục tiêu lợi nhuận

(khoahocdoisong.vn) - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, MCK: MVN) vừa công bố kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 2019, với lợi nhuận trước thuế ước đạt 304 tỷ đồng, giảm 31% so cùng kỳ năm trước.

Theo đó, Vinalines dự kiến sẽ chia kế hoạch kinh doanh năm 2019 thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 6 tháng. Từ ngày 01/7 tới đây, Vinalines sẽ chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Theo kế hoạch, tổng doanh thu cả năm của Vinalines ước đạt 13.874 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Vinalines cũng dự kiến lỗ 164 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi nửa năm còn lại, MVN đặt chỉ tiêu lãi 468 tỷ đồng.

Nguyên nhân của dự kiến thua lỗ trong 6 tháng đầu năm là do trong quý 2/2019, kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2019-2020 nên khối lượng container vận chuyển trên tuyến nội Á sẽ bị ảnh hưởng. Riêng quý 1/2019, tổng doanh thu của Vinalines đạt gần 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận 46 tỷ đồng.

Như vậy, sau hơn 6 năm tái cơ cấu, “con tàu đắm” Vinalines đã dần “nổi lên. Nhưng sự phục hồi của Vinalines vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Theo Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh, muốn doanh nghiệp này đi lên bền vững, những “ung nhọt” là các công ty hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là khối vận tải phải được xử lý sớm để giảm tổn thất và cắt lỗ.

Cùng với việc tập trung nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển; mở rộng kinh doanh logistics – 2 lĩnh vực luôn mang lại lợi nhuận ổn định, Vinalines đã mạnh tay dừng đóng mới 17 tàu, bán thanh lý một nửa đội tàu với nhiều tàu già, hoạt động kém hiệu quả để kéo tổng trọng tải từ 3,4 triệu DWT xuống còn 1,7 triệu DWT.

Dự kiến, trong năm 2019, Vinalines sẽ thực hiện đầu tư bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển và tiếp nhận cảng Quy Nhơn về làm thành viên của tổng công ty. Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn giữ vai trò là nhóm cảng chủ lực. Ngoài ra, Vinalines tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản cảng biển trọng điểm gồm cảng Liên Chiểu, cảng Vinalines Đình Vũ, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 2. Tổng mức đầu tư dự án này vào khoảng 2.184 tỷ đồng, trong đó, 1.709 tỷ đồng dùng đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm (có thể đi vay). Số còn lại sẽ đầu tư tài chính bằng nguồn vốn tự có.

Dự kiến, trong tháng 5/2019, Vinalines sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ đồng thời chính thức vận hành thương hiệu mới VIMC.

Theo Đời sống
back to top