Kiện tỳ, bổ thận cho người sa sút trí tuệ

(khoahocdoisong.vn) - Não là bể của tủy, thận chủ cốt sinh tủy, thận khí thông với não. Vì vậy, để phòng chống sa sút trí tuệ người già, Đông y dùng các thuốc bổ thận.

Liên quan đến nhiều tạng phủ

Theo thống kê của các nhà khoa học, tính đến năm 1980, tỷ lệ những người bị sa sút trí tuệ ở tuổi 65 trở lên tăng gấp 8 lần so với năm 1940. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy có đến 10% những người trên 65 tuổi có biểu hiện rối loạn trí lực ở các mức độ khác nhau, trong đó một nửa lâm vào tình trạng sa sút trí tuệ và cho rằng vấn đề này sẽ trở thành tai họa cho loài người trong thế kỷ 21.

Trong Đông y không có bệnh danh sa sút trí tuệ, nhưng căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng có thể thấy tình trạng này thuộc phạm vi các chứng như ngốc bệnh, kiện vong, điên chứng, thiện vong, lão suy… Hồng Mai, y gia trứ danh đời Tống (Trung Quốc) trong sách Di kiên trí đã ghi lại những biểu hiện của căn bệnh này như sau: tinh thần, trí nhớ ở não chứ không phải ở tâm, ở người già mất trí não tủy dần dần trống rỗng...

Cho đến nay, về cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này các nhà Đông y đều thống nhất cho rằng vị trí của bệnh là ở não nhưng có liên quan mật thiết với các tạng phủ khác như tâm, tỳ, can và đặc biệt là thận. Y thư cổ viết: “Não là bể của tủy, thận chủ cốt sinh tủy, thận khí thông với não”. Bởi vậy, giữa não và thận có mối quan hệ đặc biệt mật thiết. Trên thực nghiệm, các nhà Đông y đã chứng minh các thuốc bổ thận đều có tác dụng điều tiết rõ rệt công năng của hệ trục não-tuyến yên-tuyến thượng thận. Mặt khác, trên lâm sàng hầu hết các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ đều có biểu hiện của hội chứng thận hư theo quan niệm của Đông y.

Vì vậy, thận hư là vấn đề trọng yếu và bổ thận là một trong những khâu không thể thiếu được trong phác đồ điều trị. Thêm nữa, y thư cổ cũng viết: “Tâm chủ thần minh”, “tâm tri tương lai thận tàng dĩ vãng”, “tỳ hư sinh đàm, đàm uất lâu ngày hóa hỏa, đàm nhiệt làm hại thần minh”. Như vậy, cái “gốc” của căn bệnh này chính là sự suy yếu của các tạng phủ, trong đó não và thận là khâu trọng yếu; cái “ngọn” của bệnh là các chứng trạng bệnh lý do đàm trệ, huyết ứ, khí uất… gây ra. Trong Đông y, cơ chế bệnh sinh này được gọi là bản hư tiêu thực.

Điều trị phải kiện tỳ, bổ thận và hoạt huyết

Phương pháp trị liệu của Đông y đối với căn bệnh này là hết sức phong phú, có thể chia thành 2 nhóm chính: Dùng thuốc và không dùng thuốc. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc chung là lấy việc kiện tỳ, bổ thận, hoạt huyết làm căn bản, trên cơ sở đó mà gia giảm các vị thuốc hoặc huyệt vị châm cứu cho phù hợp.

Nhiều tác giả chủ trương phân chia sa sút trí tuệ người già thành 6 loại hình khác nhau và sử dụng các bài thuốc cổ tương ứng để trị liệu: Thể tâm thận bất giao dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm; Thể đàm ứ tương kết dùng Thọ tinh hoàn gia giảm; Thể đàm nhiệt nhiễu tâm dùng Xương bồ uất kim thang gia giảm; Thể can thận bất túc dùng Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm; Thể tỳ thận lưỡng hư dùng Hoàn thiếu đan gia giảm; Thể tủy hải không hư dùng Hà sa đại tạo hoàn gia giảm.

Cũng có tác giả chủ trương sử dụng một bài thuốc làm hạt nhân rồi trên cơ sở đó gia giảm tùy theo tình trạng bệnh lý cụ thể. Bài thuốc này gồm các vị: Đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, xương bồ, bán hạ chế, ích trí nhân, hoài sơn, tiên linh tỳ. Nếu tỳ thận dương hư gia thêm phụ tử chế, can khương, thỏ ty tử, đỗ trọng; nếu khí trệ huyết ứ gia thêm đào nhân, đan sâm, xuyên khung, ngô công; nếu đàm trọc ứ trở gia thêm nam tinh, hậu phác, trần bì, viễn trí…

Kết hợp với biện pháp dùng thuốc người ta rất chú trọng sử dụng châm cứu, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh và tâm lý liệu pháp để nâng cao hiệu quả trị liệu.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top