Kiến nghị kiểm điểm 6 tỉnh phía Bắc để xảy ra sai phạm khai thác khoáng sản kéo dài

(khoahocdoisong.vn) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh: Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản kéo dài trên địa bàn.

Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất việc thanh tra thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang. Qua đó phát hiện một số vi phạm môi trường kéo dài gồm: Việc nợ tiền quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác; không thực hiện nghiêm túc quy định về quan trắc môi trường; không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường; Quỹ BVMT của các tỉnh hoạt động không thống nhất, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các tỉnh phía Bắc. (Ảnh minh họa)

Nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các tỉnh phía Bắc. (Ảnh minh họa)

Nợ đọng quỹ và phí BVMT

Tại tỉnh Yên Bái các dự án còn nợ phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền 6,3 tỷ đồng; đến hết năm 2019 còn 73 điểm mỏ nợ, chậm nộp tiền ký quỹ với số tiền 45,2 tỷ đồng. Trong số dự án được thanh tra có 08 cơ sở mặc dù chưa được cấp giấy giác nhận hoàn thành công trình BVMT nhưng đã tiến hành khai thác.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát, xử lý theo quy định với các dự án được cấp phép khai thác nhiều năm nhưng chậm tiến độ, không triển khai việc khai thác, không xây dựng công trình BVMT như dự án: Mỏ quặng sắt tại Bản Kháo Nhà, huyện Mù Cang Chải của Công ty CPĐT khai thác KS Hà Nội; Mỏ quặng sắt thôn Sài Lương, huyện Văn Chấn của Công ty CP xây dựng Hoàn Thiện.

Tại tỉnh Cao Bằng, đến thời điểm thanh tra các dự án khai thác khoáng sản còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là 5,4 tỷ đồng; các doanh nghiệp còn nợ phí BVMT 3,11 tỷ đồng; vẫn còn 14 mỏ chưa có quyết định cho thuê của UBND tỉnh, trong đó có 02 mỏ chưa khai thác chủ dự án đã làm hồ sơ đóng cửa mỏ, 02 mỏ tạm dừng khai thác, 05 mỏ chưa khai thác do chưa giải phóng được mặt bằng, 05 mỏ đang hoạt động.

Ngoài ra, còn 22 điểm mỏ Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng chủ đầu tư dự án chưa lập đề án đóng cửa mỏ, cá biệt có mỏ đã có quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, tuy nhiên, chủ đầu tư chưa thực hiện, cơ quan chuyên môn tỉnh thiếm kiểm tra, đôn đốc như Mỏ Mangan Kha Mon, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh của Công ty CP Khoáng sản NIKKO Việt Nam.

Tại tỉnh Bắc Kan, đến thời điểm thanh tra các doanh nghiệp còn nợ 35,131 tỷ đồng, trong số này riêng Công ty CP Thương mại & Khoáng sản Nguyên Phát nợ 32,644 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn 26 dự án chưa nộp đủ số tiền ký Quỹ BVMT với tổng số tiền 38,2 tỷ đồng; đến thời điểm thanh tra còn 17 dự án nợ phí BVTM với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh này đã chi tổng số tiền 18,5 tỷ đồng trích từ nguồn thu phí BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho 7 công trình, dự án về thủy lợi, nhà lưu trú học sinh chưa đúng mục đích phục vụ công tác BVMT.

Có 6/13 dự án chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT nhưng đã khai thác như: Mỏ Antimon Mậu Duệ, xã Mậu Duệ của Công ty CP cơ khí và khoáng sản Hà Giang; Mỏ đá vôi tổ 5, phường Ngọc Hà, TP Hà Giang của Công ty TNHH Hải Phú; các mỏ gàng sa khoáng Thác Lan; vàng gốc Thượng Cầu và sa khoáng Suối Bông, xã Tiên Kiều của Công ty CP đầu tư khai thác khoáng sản và xây dựng Mê Linh; Mỏ Mangan Bản Sáp của Công ty TNHH đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản; Mỏ Mangan Đội 5, xã Ngọc Linh của Công ty CP Khoáng sản Ngọc Linh; Mỏ mangan Khuôn Then, xã Ngọc Minh của Công ty TNHH Tây Giang.

Có 4/13 dự án thực hiện không đúng nội dung Báo cáo ĐTM; 4/13 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 01/13 dự án không thực hiện việc nộp Báo cáo định kỳ kết quả quan trắc, giám sát môi trường.

Tỉnh Lai Châu vẫn còn 21 dự án không lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường; 21 dự án không nộp, còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 7 dự án nợ phí bảo vệ môi trường.

Tại Tuyên Quang, còn 24 dự án nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền 4,1 tỷ đồng; 22 dự án còn nợ phí bảo vệ môi trường với số tiền 4,1 tỷ đồng.

Các tỉnh để sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản kéo dài. (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Các tỉnh để sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản kéo dài. (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Lập Báo cáo ĐTM không sát thực tế

Trong việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), một số dự án chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn tại tỉnh Yên Bái chưa nhìn nhận, đánh giá đầy đủ những khó khăn về địa hình nên bố trí công trình BVMT chưa phù hợp, tính khả thi chưa cao; trong khi đó Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM cững chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện khó khăn về địa hình để yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến có một số công trình không thực hiện theo Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

Tỉnh Cao Bằng, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo ĐTM tại một số dự án có chất lượng chưa tốt; đơn vị tư vấn chưa xác định được hết các yếu tố gây tác động xấu đến môi trường, một số phương án xử lý môi trường chưa phù hợp nhưng Hội đồng thẩm định chưa kịp thời phát hiện dẫn đến một số nội dung trong Báo cáo ĐTM được phê duyệt còn thiếu tính khả thi khi thực hiện trong thực tế.

Một số báo cáo ĐTM có đưa ra, áp dụng giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng đối với môi trường không khí, nước mưa chảy tràn nhưng cần bổ sung thêm giải pháp cho các mỏ: Mỏ đá vôi Cốc Bây, thị trấn Thông Nông, huyện Thông Nông; Mỏ đá Thua Phìa, huyện Trùng Khánh; Mỏ đá vôi Phía Nim, huyện Nguyên Bình; Mỏ đá vôi Trung Làng, huyện Nguyên Bình; Mỏ đá vôi Nà Lẹng, huyện Nguyên Bình.

Qua đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra tồn tại, khuyết điểm, sai phạm. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý phù hợp đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top