Kiến nghị cắt giảm vốn của các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60%

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 8 tháng và ước thực hiện tháng 9/2020. Trong báo cáo này, Bộ Tài chính đã kiến nghị cắt giảm vốn của các đơn vị có tỷ lệ giải ngân đến 30/9/2020 dưới 60%, để điều chỉnh cho các dự án khẩn cấp.
Chính phủ họp trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ họp trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. 

Theo báo cáo, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/8/2020 là 235.292,81 tỷ đồng, đạt 43,93% kế hoạch (535.576,13 tỷ đồng) và đạt 49,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng). Trong đó, vốn trong nước là 222.116,9 tỷ đồng (đạt 46,7% kế hoạch) và vốn nước ngoài là 13.175,91 tỷ đồng (đạt 21,96% kế hoạch). Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2020 là 269.207,94 tỷ đồng, đạt 50,27% kế hoạch (535.576,13 tỷ đồng) và đạt 57,15% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng).

Kết quả này cho thấy, tỷ lệ giải ngân 8 tháng và ước 9 tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương.

Cụ thể, có 08 Bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/9/2020 đạt trên 60%. Trong đó, 06 Bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70% gồm: Liên minh Hợp Tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (95,32%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội Vụ (87,67%), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (73,49%), Thông tấn xã Việt Nam (70,06%); Hưng Yên (87,73%), Ninh Bình (82,46%), Thái Bình (79,5%), Hà Nam (71,15%), Tiền Giang (70,96%), Phú Yên (70,85%).

Qua công tác kiểm tra, các đoàn công tác đã tổng hợp một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Cơ chế chính sách vẫn còn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án; Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó. Vì vậy, các Bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án. Tác động của đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020...

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đến 30/9/2020 dưới 60% kế hoạch. Dùng vốn này để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong tháng 10/2020.

Theo Đời sống
back to top