Kiểm toán Nhà nước: Tại sao sai phạm thì nhiều, chuyển điều tra lại ít?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga đặt câu hỏi tại về báo cáo kiểm toán Nhà nước năm 2021.

Sáng 14/9, tại kỳ họp thứ 3 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước - Trần Sỹ Thanh đã báo cáo về công tác kiểm toán Nhà nước năm 2021.

8 tháng hoàn thành hơn 50% kế hoạch kiểm toán

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết theo kế hoạch năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 188 cuộc và dự kiến tổ chức thành 211 đoàn. Đến 31/8, đã triển khai 144/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến 31/8, đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%).

“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đơn vị Kiểm toán Nhà nước không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến. Trong 4 tháng còn lại của năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2022 theo Luật”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết.

Cũng theo báo cáo, trong 8 tháng đầu năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán, cung cấp 151 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương tình công tác.

Tránh chồng chéo

Góp ý về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng, tính đến hết 31/8 tức hết 2/3 thời gian của năm, ngành Kiểm toán đã thực hiện 144/211, kết thúc được 108 đoàn đạt 51% kế hoạch. Khối lượng công việc còn lại (49%) trong 4 tháng cuối năm là rất lớn. Ông Tùng đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá thêm về khả năng hoàn thành kế hoạch công việc đã đề ra.

Kiểm toán Nhà nước: Tại sao sai phạm thì nhiều, chuyển điều tra lại ít? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga đề xuất cần công khai những đơn vị không thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, bà Nga nhấn mạnh về việc Kiểm toán Nhà nước chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khi trong báo cáo thẩm tra lại là chuyên cơ quan điều tra 05 vụ việc.

"Cho dù 01 vụ hay 05 vụ, tôi thấy rằng vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra ít, có biểu hiện thiên về xử lý hành chính, cũng như biểu hiện nương nhẹ. Tại sao sai phạm thì nhiều mà chuyển cơ quan điều tra lại ít?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi.

Về kế hoạch kiểm toán 2022, bà Nga đề nghị việc tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

“Tôi theo dõi có những đơn vị vừa kiểm toán đến làm việc, vừa thanh tra làm việc… trong thời gian gần sát nhau”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thông tin.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách

Cho ý kiến công tác kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Kiểm toán Nhà nước cần toàn diện hơn, trọng tâm trọng điểm hơn, sắc sảo hơn, quyết liệt hơn…

“Có những vấn đề phát hiện trong quá trình kiểm toán, cần mạnh dạn đề xuất chấn chỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị công khai, minh bạch hơn hoạt động kiểm toán. Theo Chủ tịch Quốc hội, công khai, minh bạch là “vũ khí” quan trọng của kiểm toán. Một mặt nó là sức ép công luận lớn để siết chặt, kỷ luật kỷ cương ngân sách. Mặt khác việc công khai, minh bạch cũng có thể giám sát lại hoạt động kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước: Tại sao sai phạm thì nhiều, chuyển điều tra lại ít? - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Kiểm toán Nhà nước cần toàn diện hơn, trọng tâm trọng điểm hơn, sắc sảo hơn, quyết liệt hơn…

Về kế hoạch kiểm toán năm 2022, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong mục tiêu chung vẫn phải lấy tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu: Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ; đảm bảo an toàn bền vững của nợ công; cơ cấu lại tổ chức tín dụng, trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu…

“Cần tập trung làm rõ tổng mức cơ cấu và chất lượng của tín dụng. Cơ cấu các lĩnh vực tín dụng như thế nào? Trong cơ cấu tín dụng còn có cơ cấu theo khách hàng. Chỉ cần một khách hàng nào đó, một tập đoàn, doanh nghiệp nào đó nợ quá nhiều đi đến lâm vào tình trạng đổ vỡ thì có thể gây ra tác động dây chuyền. Tránh việc “quá lớn để sụp đổ” (Too big to fail), vay nhiều quá, nợ nhiều quá, dòng tiền ách tắc gây nguy hiểm cho nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý kiểm toán việc sử dụng quỹ tiền lương cho đầu tư xây dựng cơ bản trong khi nguồn thực hiện cải cách tiền lương chưa bảo đảm.

Theo vtv.vn
back to top