Kiểm soát nợ xấu dưới 3% không còn là công cụ hữu hiệu để giám sát ngân hàng

(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được kiểm soát dưới 2%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng cao do tác động của đại dịch Covid-19.

Thông tư 01 "che mờ" nợ xấu

Trao đổi với KH&ĐS, TS. Nguyễn Đình Đạt, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương cho rằng, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng được kiểm soát thấp dưới 2% không gây nhiều bất ngờ. Mặc dù có trên 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế đình trệ, nhưng NHNN cũng như các NHTM đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 – 2012 và đã đưa các quyết sách kịp thời. 

NHNN ban hành Thông tư 01 của NHNN cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ. Theo đó, những khoản nợ của các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giữ nguyên, không chuyển nhóm nợ, không làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. Khách hàng, doanh nghiệp cũng giảm được áp lực trả nợ trong hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian cơ cấu nhóm nợ, giãn nợ quy định trong Thông tư 01 là không vượt quá 12 tháng, kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Ước tính, những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thường đến hạn thanh toán vào khoảng quý IV/2020 hoặc quý I/2021. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trong quý 3 và cả trong 9 tháng của năm 2020 vẫn giữ được ở mức an toàn là dễ hiểu.

Theo NHNN, đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,74% tổng dư nợ. 

Đáng chú ý, một khoản tín dụng lớn phát sinh trong thời gian dịch bệnh lên tới 769 nghìn tỷ đồng chưa được cơ cấu và giảm lãi sẽ là ẩn số cho nợ xấu của hệ thống. Trong khi đó, Thông tư 01 không đề cập đến khoản tín dụng được giải ngân sau ngày 23/1/2020. 

Trước tình hình đó, NHNN đưa ra Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 nhằm kéo dài thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi vay đến ngày 31/12/2020. Dự thảo sửa đổi này sẽ làm giảm mức tăng nợ xấu đối với những khoản nợ phát sinh trong thời gian dịch bệnh. Nếu Dự thảo được thông qua, số liệu báo cáo nợ xấu nội bảng trong cuối năm chắc chắn vẫn được đưa vào tầm kiểm soát.

Tất cả đều kỳ vọng, nền kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Với kịch bản  tích cực như vậy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, khả năng thanh toán nợ được cải thiện, nợ xấu bị tích dồn từ năm 2020 có thể được xoá. 

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương. Trường hợp dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng. Các doanh nghiệp lao đao, khó càng thêm khó . Khi đó, nợ xấu sẽ chồng chất thêm,  do những khoản nợ được cơ cấu lại sẽ phải chuyển sang nhóm nợ xấu (nhóm 3 - 5). Tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn và mất kiểm soát.

Thêm nhiều công cụ giúp ẩn nợ xấu

Theo Vndirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong 8 tháng đầu năm đạt 250.129 tỷ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trái phiếu riêng lẻ đạt 237.729 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm Tài chính - Ngân hàng phát hành thành công 70.138 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% tổng giá trị phát hành riêng lẻ. Nhóm ngành Bất động sản với giá trị phát hành 59.076 tỷ đồng, chiếm 25% tổng giá trị phát hành. Nhóm Tập đoàn đa ngành có giá trị phát hành đạt mức 20.271 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%. Còn lại là các ngành khác đạt mức 87.544 tỷ đồng, chiếm 37%.

Câu hỏi đặt ra, liệu số trái phiếu phát hành tăng đột biến trên có được sử dụng để huy động vốn nhằm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh? Có hay không việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ khi hoạt động sản xuất kinh doanh còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19? 

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đâu năm 2020 đạt 1,81%, tăng lên 2,12% vào tháng 9/2020. Dự báo sẽ tăng trưởng 2,5 - 3% trong cả năm 2020 sẽ khó tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Vì vậy, việc ồ ạt phát hành trái phiếu vừa qua để đầu tư sản xuất kinh doanh là một nghi vấn lớn.

Theo TS Nguyễn Đình Đạt, hiện trong dân vẫn còn một lượng vốn khá lớn. Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng nhiều lần hạ xuống mức thấp. Bên cạnh những nhà đầu tư tin tưởng, nhiều người cũng mạo hiểm mua trái phiếu doanh nghiệp để hưởng lãi suất cao. Các doanh nghiệp có thể tận dụng việc này để tăng cường phát hành trái phiếu.

Đáng chú ý, Nghị định số 81/2020 cho phép tái cơ cấu lại các khoản nợ bằng nguồn vốn phát hành từ trái phiếu (Khoản 6, Điều 1). Điều này có nghĩa, các khoản nợ xấu của doanh nghiệp trong tương lai tiếp tục được cơ cấu, nói cách khác là đảo nợ. Như vậy, nợ xấu ngân hàng có thể được "che phủ" bằng nhiều công cụ khác nhau do chuẩn mực IFRS chưa được áp dụng tại Việt Nam. 

TS Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, chỉ có ngân hàng mới nắm rõ nhất được tình hình sức khoẻ tài chính của mình. Việc sử dụng các công cụ đảo nợ, cơ cấu lại nợ của các NHTM nếu không được theo dõi chặt chẽ, cũng như cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN không kiểm soát được thực trạng nợ xấu, sẽ đem lại chỉ tiêu ảo và lợi nhuận méo mó. Các ngân hàng sẽ bị đẩy vào tình thế rủi ro trong tương lai. Đã có nhiều bài học liên quan đến nợ xấu như các ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng, hay một loạt các vụ án bị đưa ra xét xử.

Trong tình huống này, chỉ tiêu nợ xấu được kiểm soát dưới 3% không còn là công cụ để giám sát hoạt động của ngân hàng hiệu quả như trước đây.

Theo Đời sống
back to top