Kiểm soát bệnh nền tránh tử vong ở bệnh nhân COVID-19

Kiểm soát bệnh nền có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giảm nguy cơ nặng khi mắc COVID-19, đồng thời phòng tránh bệnh đột quỵ và tim mạch.

Các nghiên cứu đã cho thấy, người có bệnh nền thì nguy cơ tử vong cao hơn hẳn so với người bình thường. Bộ Y tế khuyến cáo danh mục 20  bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19.

benh-nen-1.jpeg
Kiểm soát bệnh nền tránh tử vong ở bệnh nhân COVID-19

Các nghiên cứu cho thấy có 49 yếu tố liên quan tiên lượng về tỷ lệ tử vong hoặc bệnh nặng ở bệnh nhân COVID-19: Yếu tố nhân khẩu học (tuổi, giới tính nam, hút thuốc); Yếu tố tiền sử và bệnh đi kèm: bệnh đột quỵ não, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh thận mãn tính, bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp động mạch, tiểu đường, sa sút trí tuệ, ung thư và rối loạn lipid máu...

Theo thống kê, rối loạn nhịp tim làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 lên 16,5 lần, béo phì tăng 3,74 lần, bệnh tim mạch 3,34 lần, đột quỵ não 2,8 lần, tăng huyết áp 2,5 lần, đái tháo đường 2,5 lần và ung thư là 2,0 lần. Tuổi trung bình của nhóm tử vong ở người bệnh Covid-19 là 64,6, nam giới chiếm 2/3, hay gặp người thừa cân béo phì (BMI = 27). Tỷ lệ bệnh nền gặp cao nhất là tăng huyết áp 47%, đái tháo đường 31%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 16% và bệnh thần kinh 9%, tỷ lệ suy gan và suy thận gặp 6%.

Kiểm soát bệnh nền có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giảm nguy cơ nặng khi mắc COVID-19, đồng thời phòng tránh bệnh đột quỵ và tim mạch. Các biện pháp chính để kiểm soát yếu tố nguy cơ và bệnh nền như sau:

Thứ nhất: Phải có nếp sống khoa học, tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao thể trạng, giảm béo phì. Bỏ hút thuốc lá, không uống rượu bia, ăn nhạt với người bệnh tim mạch và tăng huyết áp; ăn tăng rau xanh, hoa quả tươi sạch và giảm mỡ động vật…

Thứ 2: dùng thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, chống loạn nhịp tim… Các chỉ số phải được kiểm soát tốt ở mức bình thường hoặc ở mức giới hạn cho phép.

Thứ 3: Bổ sung acid folic, coenzym Q10 giúp hỗ trợ kiểm soát tốt bệnh tim mạch; các vitamin nhóm B giúp sinh năng lượng đảm bảo chuyển hóa, bổ dưỡng thần kinh; các vitamin E, viatmin C, vitamin D, acid folic giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hóa.

TS.BS Nguyễn Văn Tuấn (Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 103)

Theo Đời sống
back to top