Ngủ một đêm sáng thức dậy thấy cổ và các vùng gân cơ lân cận có cảm giác cứng, thẳng, không thể xoay trở được. Chỗ đau buốt, tê hoặc có thể lan sang vai và cánh tay cùng bên hoặc kèm thêm đầu đau, sợ lạnh. Thường 3 - 5 ngày là khỏi nhưng dễ tái phát. Nếu để kéo dài, cơ bắp sẽ trở nên cứng đờ, không sao hoạt động tự nhiên được.
Nguyên nhân do rối loạn trương lực tư thế: cơ ức - đòn - chũm co rút như sợi dây, tăng trương lực, làm đầu xoay qua một bên; Do tư thế nằm ngủ vẹo cổ; Do nằm phòng lạnh hoặc để quạt thổi trực tiếp vào vùng mặt, cổ gáy… kết hợp với tư thế nằm nghiêng, khiến cho cơ cổ bị lạnh, co lại gây nên đau, cứng một bên cổ.
![]() |
Vị trí huyệt Thiếu trạch. |
Phương pháp điều trị có hiệu quả nhất là kích thích huyệt thiếu trạch và cảnh đỉnh điểm phía dưới gốc của ngón tay giữa. Vì kinh tiểu tràng vận hành qua vùng vai đến cổ, cho nên kích thích huyệt thiếu trạch có thể làm cơ cổ bớt co thắt. Ngoài ra, cảnh yết khu (huyệt phản chiếu) cũng có hiệu quả trị liệu rất tốt đối với các loại đau mỏi phần cổ. Huyệt lạc chẩm là huyệt đặc hiệu chuyên dùng trị cổ cứng, cổ đau, vẹo…
Tốt nhất là dùng kẹp tóc, tăm tre, hoặc điếu thuốc ngải cứu để kích thích mạnh.
![]() |
Vị trí các huyệt cần kích thích. |
Khi triệu chứng đã giảm nhẹ, có thể kích thích huyệt phế và huyệt can (ở ngón tay áp út), chỉ cần dùng kẹp tóc hoặc vật nhọn kích thích, hoặc dùng điếu ngải hơ (cứu) 3 - 7 lần, đau mỏi cổ sẽ hết.
Cũng có thể dùng phác đồ điều trị sau: Trước tiên là huyệt trung chử, tiếp đó là huyệt dương trì, quan xung. Kích thích 3 huyệt này (gồm 6 huyệt trên 2 bàn tay), cơ cổ sẽ không còn bị cứng chỉ trong một thời gian ngắn.
Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)