Khuyến cáo phòng trừ dịch sâu keo mùa thu

(khoahocdoisong.vn) - Trước tình hình dịch sâu keo mùa thu (FAW) đang diễn biến phức tạp trên cả nước, Hiệp hội ngành thúc đẩy Ứng dụng Khoa học Nông nghiệp (CropLife) tại Việt Nam đã đưa ra những đề xuất để đối phó với dịch sâu này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa báo cáo Thủ tướng về sâu keo mùa thu, một sinh vật ngoại lai rất nguy hiểm, đã xuất hiện và lây lan với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay. Loại sâu này đã có mặt trên 30 tỉnh thành và tiếp tục đe dọa cả trăm nghìn hec ta ngô của Việt Nam.

Với mục tiêu bảo vệ sinh kế của nông dân, đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu, CropLife đề xuất phương pháp ứng phó với dịch toàn diện gồm: 1) đảm bảo phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu thông qua chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); 2) cung cấp thông tin tư vấn rõ ràng và khoa học cho nông dân; 3) tạo môi trường pháp lý cho phép nông dân tiếp cận công nghệ; 4) phối hợp giữa các bên liên quan; 5) biện pháp kiểm dịch thực vật khẩn cấp.

Tổ chức CropLife ủng hộ Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đối phó với FAW. Để áp dụng IPM thành công, các công cụ phòng trừ hiệu quả cho cho nông dân bao gồm sử dụng thuốc trừ sâu, cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) và các công cụ quản lý sâu hại khác. Thuốc trừ sâu là một trong số ít những công cụ phòng trừ FAW hiệu quả và đã được chứng minh. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc phun qua lá và thuốc xử lý hạt giống.

Khi sử dụng thuốc trừ sâu, nông dân chỉ sử dụng thuốc BVTV đã đăng ký và được khuyến nghị để kiểm soát dịch FAW đưa ra bởi các cơ quan chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ… Thông qua hệ thống khuyến nông, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và nhân viên của các đơn vị cung ứng thuốc trừ sâu để thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu có trách nhiệm như là một phần của chương trình IPM.

Cây trồng CNSH có tính kháng sâu là một công cụ khác đã được sử dụng hiệu quả trong chương trình IPM để kiểm soát FAW tại khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Lợi ích của giống ngô kháng sâu đã được chứng minh trên các ruộng thử nghiệm ở Kenya, Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Uganda thông qua dự án Ngô chịu hạn ở châu Phi (WEMA). Trong năm 2017, khi hàng triệu ha ngô ở châu Phi đã bị FAW tàn phá, thì riêng Nam Phi đã thoát khỏi sự phá hoại của giống sâu này bởi 2 lý do: có hơn 1,6 triệu ha ngô biến đổi gen kháng sâu được trồng ở Nam Phi; các loại thuốc BVTV cần thiết đã được cấp phép sử dụng trên thị trường.

Rộng ngô sử dụng giống chuyển gen ở Thái Nguyên không bị sâu keo phá hoại.

Rộng ngô sử dụng giống chuyển gen ở Thái Nguyên không bị sâu keo phá hoại.

FAO đã từng khuyến cáo trước đó rằng “Việc giới thiệu thông tin, hỗ trợ ứng dụng CNSH và các cải tiến khoa học trong nông nghiệp cho các nông hộ nhỏ tại châu Phi, đồng thời giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các công nghệ này nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng cũng như bảo vệ môi trường lành mạnh, bền vững là một vấn đề cấp thiết.”

Tuyên bố này của FAO cũng đặc biệt quan trọng cho các nước châu Á nơi dịch hại đang đe dọa các khu vực trồng ngô. FAO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia châu Á - nơi cây trồng CNSH chưa được ứng dụng cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng khung hành lang pháp lý, từ đó cho phép nông dân có thêm nhiều lựa chọn và cơ hội tiếp cận công nghệ quan trọng này.

Các công cụ quản lý sâu hại khác nên được sử dụng cùng với thuốc BVTV như một phần của chương trình IPM, bao gồm quy trình thực hành nông nghiệp, thuốc trừ sâu sinh học và sử dụng các loài thiên địch. Đặc biệt, nông dân phải được tập huấn để hiểu sự nguy hiểm của dịch hại, biết cách nhận dạng, hiểu đặc điểm sinh học sinh thái và vòng đời của loại sâu hại cũng như thời điểm thuận lợi nhất để tiến hành biện pháp phòng trừ. Nông dân phải được trao cơ hội tiếp cận với nhiều lựa chọn công nghệ khác nhau để quản lý dịch bệnh do FAW gây ra. Các quy định pháp lý dựa trên cơ sở khoa học là cần thiết để tiếp tục mở rộng cơ hội tiếp cận của nông dân tới các sản phẩm CNSH và thuốc BVTV hiện đại.

Theo khuyến cáo FAO, với sâu keo mùa thu, biện pháp tốt nhất là áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kiểm tra đồng ruộng sớm, phát hiện ngắt ổ trứng, làm đất phơi khô diệt ấu trùng, nhộng, dùng bẫy đèn, bẫy cây trồng… sau đó, mới dùng đến phương án phun thuốc bảo vệ thực vật  (BVTV).

Trước mắt, Cục BVTV đã cho phép sử dụng tạm thời 4 hoạt chất (Bacillus Thuringinensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron) đến hết năm 2019 để diệt trừ sâu keo. Đây là những chất đã được thử nghiệm ở Việt Nam và sử dụng hiệu quả ở một số nước.

Theo Đời sống
back to top