Không thiếu hàng, không đầu cơ, tại sao giá phân bón vẫn "trên trời"?

Trong bối cảnh thị trường phân bón có nhiều biến động, sáng 11.8, hai Bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong trước.

Tại sao giá phân bón tăng cao?

Thông tin về giá phân bón tăng trong thời qua, Cục trưởng Cục Hóa Chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, sau thời gian tăng giá kỷ lục vào cuối năm 2018, giá phân bón đã liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 7 năm 2020. Từ tháng 7.2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao trong những tháng gần đây.

Nêu nguyên nhân đẩy giá phân bón lên cao, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, giá phân bón tăng là bởi giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.

Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.

"Nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là vấn đề vận chuyển, logistics. Nhiều doanh nghiệp đã có hàng nhưng không vận chuyển được khiến giá tăng cao", Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Cục trưởng Cục Hoá chất lý giải nguyên nhân giá phân bón tăng. Ảnh: HH
Cục trưởng Cục Hoá chất lý giải nguyên nhân giá phân bón tăng. Ảnh: HH

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước sẽ không tăng trong những năm gần đây.

Thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, như vậy, công suất sản xuất của chúng ta gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.

"7 tháng đầu năm, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón, tăng gần 200 triệu tấn so với cùng kỳ. Năm 2020, chúng ta nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng 7 tháng đầu năm 2021, chúng ta đã nhập 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ.

Số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng và không có chuyện cung cầu đứt gãy, khi nguồn cung phân bón còn dư", Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định.

Mất cân đối cung - cầu không phải là nguyên nhân

Lý giải thêm về điều này, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) khẳng định, nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.

Cuộc họp trực tuyến giữa hai bộ nhằm tìm giải pháp bình ổn giá cả phân bón. Ảnh: HH
Cuộc họp trực tuyến giữa hai bộ nhằm tìm giải pháp bình ổn giá cả phân bón. Ảnh: HH

"Nếu nói giá phân bón tăng do bấp cập cung cầu là không đúng. Mà nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng.

Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch", ông Bùi Thế Chuyên chỉ ra và đề xuất, trước mắt, để bình ổn thị trường phân bón cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển.

Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Quan trọng hơn cả là bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…

Trong khi đó, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, trong nước đã hạn chế xuất khẩu từ đầu năm, nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì nhà máy 100 - 110% công suất, nhưng quy luật về giá không thể khác được với thị trường thế giới.

Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Để bình ổn thị trường phân bón, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh hai ngành Công Thương và nông nghiệp sẽ cùng thống nhất giải pháp để có đề xuất gửi Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị doanh nghiệp sản xuất tiếp tục cung cấp đầy đủ nguồn hàng cho thị trường, hợp lý hóa chi phí và cố gắng có giá bán thấp hơn giá nhập khẩu, ưu tiên dành phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước và không xuất khẩu.

Theo laodong.vn
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top