Không thể "nhốt" mãi trẻ ở nhà

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), không thể "nhốt" mãi trẻ ở nhà, khi đã xác định mở cửa nền kinh tế.

Những tâm trạng trái ngược

Đã hai tuần tham gia dạy học trực tiếp học sinh lớp 12, ThS Đặng Liễu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cho biết, học sinh rất vui khi được đến trường.

“Sau thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến, được đến trường các em như chim sổ lồng, vui lắm, thậm chí hết giờ còn chẳng muốn về”, cô Liễu chia sẻ.

truong-thpt-nguyen-gia-thieu.jpg
Học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đến trường học trực tiếp sau nhiều ngày học trực tuyến.

Theo cô Liễu, dù là học trực tuyến kết hợp học trực tiếp (theo ngày chẵn, lẻ) nhưng vẫn tốt hơn là học trực tuyến hoàn toàn. Vấn đề là làm sao đảm bảo phòng dịch cho tốt. Bởi ý thức thực hiện 5K của các em chưa tốt, như đeo khẩu trang chưa đúng chuẩn, giữ khoảng cách khó khăn…

Và việc thực hiện nghiêm này không chỉ với học sinh mà cần phải có sự giám sát, thực hiện với cộng đồng, xã hội. Bởi khi ở nhà, học sinh vẫn có thể lây bệnh từ người lớn trong gia đình mang từ những nguồn khác về. Khi học sinh bị mắc Covid-19, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của chính em đó, mà còn liên quan tới rất nhiều học sinh khác, có thể phải đóng cửa trường, rất thiệt thòi cho các em.

Cho nên, việc thực hiện cần có sự đồng bộ, không nên đẩy gánh nặng lên Bộ GD&ĐT hay nhà trường. Cá nhân cô ủng hộ việc cho học sinh, trước mắt là lớp 12 đến trường như hiện nay, tất nhiên là phải đảm bảo an toàn, dựa trên sự đánh giá của các cơ quan chuyên môn và cần có sự đồng thuận, phối hợp từ phía phụ huynh.

Tuy nhiên, phản ánh tới Khoa học và Đời sống, nhiều phụ huynh cho biết, họ vẫn lựa chọn cho con học trực tuyến, bởi đến trường trong lúc dịch diễn biến phức tạp như thế này không yên tâm cho sự an toàn của con.

Một số học sinh cho biết, sau vài buổi đến trường học trực tiếp, em đã quyết định ở nhà học trực tuyến. Bởi vì, số ca nhiễm đang tăng cao, trong khi các bạn đến trường không tuân thủ đúng 5K, em rất sợ bị nhiễm bệnh. “Đằng nào cũng đã học trực tuyến rồi, thêm một thời gian nữa cũng không sao”, một học sinh chia sẻ.

Mở cửa nền kinh tế thì phải mở cửa trường

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, PGS.TS Trần Thành Nam, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh lo lắng không muốn cho con đến trường là vì họ không được tham gia trong quyết định mở cửa trường, nên không nắm rõ được các quy trình liên quan tới an toàn như thế nào.

Thực tế, có nhiều phụ huynh vẫn cho con ra công viên, hoặc những khu vui chơi giải trí để chơi. Tuy nhiên, lại không cho con đến trường, là bởi khi đưa con đi chơi, phụ huynh được quyết định xem không gian nào an toàn cho con. Còn khi cho con trở lại trường, quyết định có khi lại không bởi họ.

Trong khi đó, thông tin từ nhà trường tới bố mẹ nhiều khi không thông suốt. Điều đó dẫn đến việc phụ huynh rất lo lắng, đặc biệt là với những tình huống sự cố. Ví dụ, khi mắc F0, các con có phải đi cách ly hay không? Với các con là F1, F2 thì sẽ thế nào?...

Ngoài ra, nỗi lo lắng của phụ huynh cũng có thể bắt nguồn từ chính nỗi lo lắng của con. Các em ở nhà trong một khoảng thời gian quá lâu, tất cả thói quen, tương tác trong thế giới thực bị “chuội” đi. Khi quay trở lại thế giới thực ở trường, đứa trẻ cảm thấy choáng ngợp, thấy không thể nào đương đầu với thực tại được. Lo lắng này bắt nguồn từ chính vấn đề sức khỏe tâm thần của đứa trẻ, nhưng lại được phóng chiếu lại phụ huynh làm cho phụ huynh không an tâm.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, trong bối cảnh này ai cũng lo lắng và nguy cơ nhiễm bệnh rải đều khi mà chúng ta không còn áp dụng zero Covid nữa. Kể cả khi đứa trẻ không đi học, chỉ ở nhà thì cũng vẫn có nguy cơ lây bệnh từ người lớn. Bên cạnh đó, còn là những nguy hiểm khác khi con trẻ phải ở nhà một mình như điện giật, ngã, bỏng…

Tuy nhiên, cần phải xác định, nguy cơ lúc nào cũng có, tựa như khi ra đường thì vẫn có nguy cơ bị tai nạn giao thông. Nhưng về cơ bản, điều đó không xảy ra, nhất là khi chúng ta đảm bảo các biện pháp an toàn như đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, đi đúng phần đường, đi đúng tốc độ… Sự lo lắng của phụ huynh ở trong bối cảnh có quá nhiều áp lực có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn nhận và tư duy một cách lý tính.

“Khi nền kinh tế đã mở cửa thì không thể nào "nhốt" trẻ mãi ở trong nhà, đã mở cửa nền kinh tế thì phải mở cửa trường. Vấn đề là làm như thế nào để làm cho học sinh an toàn, thông tin đầy đủ tới phụ huynh. Song song với đó, phụ huynh cũng cần xác định phải đương đầu với nguy cơ. Theo tôi, chúng ta không nên sợ bởi con số nhiễm mới mà nên nhìn xem có bao nhiêu ca nặng, bao nhiêu ca tử vong. Khi đã tiêm văcxin, đó là điều quan trọng trong việc kiểm soát được dịch”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, các nhà khoa học, nhà tâm lý phải tham gia, có ý kiến để giảm nỗi lo trong cộng đồng và sẽ thực thi được những chính sách bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho những người yếu thế. Nếu những đứa trẻ tiếp tục bị "nhốt" ở nhà thì sẽ đến một lúc nào đó dẫn đến mất cân bằng tâm lý, gây ra nhiều nguy cơ.

Tính đến ngày 16/12, sau 4 ngày cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trực tiếp trở lại, TPHCM đã ghi nhận 6 học sinh và 2 giáo viên là F0. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, khi có ca nhiễm, nhà trường thực hiện theo quy định của ngành y tế, đúng theo kịch bản, không gây hoang mang. TPHCM sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm sau hai tuần cho học sinh trở lại trường (13 - 25/12). Căn cứ từ thực tế, Sở GD&ĐT và Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TPHCM quyết định việc tiếp tục mở rộng cho học sinh đến trường.

Đối với Hà Nội, bắt đầu từ tuần này, các trường ở 2 quận và 25 xã, phường “vùng cam” của Hà Nội sẽ cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển học trực tuyến.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top