Không thể hết nạn đổi tiền lẻ

Không thể hết nạn đổi tiền lẻ, khi mà đình, đền đặt quá nhiều ban bệ, quá nhiều nơi đặt lễ, quá nhiều hòm công đức. Thành ra đặt nơi này, thiếu nơi kia lại thấy áy náy.

Hình minh họa.

Đi lễ đầu năm, chúng tôi chọn Đầm Đa (Lạc Thủy, Hòa Bình), nơi thờ mẫu Âu Cơ. Ở đây tập hợp một quần thể động và đền chùa tuyệt đẹp, như động Mẫu Long, động Thủy Tiên, động ông hoàng Bảy, ông hoàng Mười, động Tiên Sơn… phải có tới 15 động.

Để đi hết từng ấy động và đền chùa cũng đủ mệt. Càng mệt hơn vì sự sắp xếp bố trí các ban bệ thờ quá nhiều. Cùng với đó là các hòm công đức, các bàn ghi công đức quá nhiều.

Đến đây tôi mới hiểu tại sao nạn đổi tiền lẻ không thể nào cấm được. Dù có cả biển cấm đổi tiền lẻ, nhưng ngay dưới đó người ta vẫn công khai mời chào.

Ngay như bản thân tôi vốn rất ghét việc rải tiền lẻ khắp nơi, cả gốc cây, dưới giếng, nhét cả vào tay Phật… nên thường chỉ đặt lễ ở ban chính. Nhưng ở đây thì không thể thế được vì quá nhiều ban, bệ, mỗi chùa có đến cả chục nơi đặt lễ, đặt ban này lại thiếu ban kia thì áy náy.

Thế nên đành phải đổi tiền lẻ. 100.000đ, nếu là tiền 10.000 hay 20.000 thì chỉ đặt được có vài nơi, còn đổi ra tiền 1000đ được cả một tập 100 tờ, tha hồ rải khắp nơi. Khỏi áy náy khi thấy người khác đặt tiền, còn mình lại thiếu chỗ nọ chỗ kia.

Đã thế, mỗi chùa hay động ở đây có tới vài ba bàn ghi công đức, họ lại mời chào khiến mình không mua cũng ngại, phải là người bản lĩnh lắm mới có thể thản nhiên đi qua được.

Mà tính đi cả từng đấy chùa, từng ấy động, mỗi nơi 3-4 bàn ghi công đức, thì cũng không thể ghi hết được. Nên nói thật, đi chùa mà thấy trong lòng bức xúc, ngại ngần, áy náy, chả thấy thanh thản, thoải mái gì cả.

Dư luận thường lên án những người đi lễ là lộn xộn, thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết, vụ lợi coi chốn linh thiêng là nơi để buôn thần bán thánh, mặc cả, xin xỏ… nhưng theo tôi trách nhiệm của việc này chính là ở ban tổ chức.

Tại sao không có những quy định, hướng dẫn người đi lễ phải đặt lễ, cúng bái, hành xử sao cho đúng? Nhiều nơi tìm mỏi mắt cũng chả thấy một dòng nào ghi về sự tích, nguồn gốc của vị thần thờ tại đó… chỉ thấy họ chú tâm xây thêm chùa, thêm bệ thờ…

Rồi lại còn tận thu bằng cách đặt hòm công đức, bán công đức khắp nơi… Cũng may là tình trạng này chỉ xảy ra ở một số đền chùa phía Bắc.

Minh Anh 

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top