Không tạo thêm áp lực cho con trong mùa dịch

Theo các chuyên gia, việc phải ở nhà thời gian dài kèm học trực tuyến có thể khiến trẻ gặp nhiều vấn đề về tâm lý, cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu bất ổn từ con, tuyệt đối không quát mắng, tạo thêm áp lực cho con.

Bất ngờ với những thay đổi của con

Chị Nguyễn Thu Nga (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây, chị cảm thấy con gái chị - học lớp 8 - có nhiều thay đổi “lạ lùng”. Con trở nên lầm lì, ít nói, không muốn giao tiếp. Nhà có em trai nhỏ, hằng ngày con hay chơi đùa, nhưng giờ con chỉ thích ngồi một mình.

Vào năm học mới, con học online cả ngày. Sau đó lại là những giờ tự học, mẹ con hầu như không giao tiếp gì. Chị cảm thấy lo lắng, xen lẫn bực bội. Có lúc, đã “nổi điên” lên với con, vì có cảm giác con thờ ơ, bất cần, nhưng rồi lại kiềm chế, nghĩ do dịch bệnh, con ở nhà lâu nên cũng bị áp lực, căng thẳng.

“Bữa cơm, con ngồi ăn mà không nói một lời nào, đầu thì lắc lư kiểu như suy nghĩ một mình. Tôi hỏi con sức khỏe có vấn đề gì, con bảo không. Tôi hỏi, hay con có tình cảm với bạn nào không, con cũng nói không. Nhìn cái vẻ mặt lầm lì của con, tôi bực không thể tả nổi, cố nhịn cho xong hết bữa ăn. Tôi lo lắng, không biết phải làm sao để con trở lại hồn nhiên, vui vẻ như xưa”, chị Nga nói.

Còn chị Hoàng Thùy Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đã giật mình khi một lần, nhân lúc hai mẹ con nói chuyện về việc tự tử, cậu con trai lớp 7 của chị nói, cũng đã từng có ý định tự vẫn. Lý do là vì, con cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì, mệt mỏi, suốt ngày chỉ học và học. Vậy mà, chị cứ nghĩ con còn nhỏ, không để ý nhiều đến con. Từ hôm đó, chị cẩn trọng hơn trong ứng xử với con, không phê bình con nặng nề, bắt con phải học giỏi giống “con nhà người ta” như trước. Chị khuyến khích con tập thể thao trong nhà, cùng con xem phim, đọc truyện. Chị cấm con sử dụng thiết bị điện tử ngoài giờ học.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ cảm thấy con có nhiều thay đổi về tính cách, thái độ khi phải ở nhà nhiều, như nóng nảy, hay cãi bố mẹ hơn… hoặc tỏ ra bất cần, im lặng kéo dài. Họ cảm thấy bối rối, không biết phải ứng xử với con thế nào. Nhất là, khi bản thân họ cũng có những căng thẳng do dịch bệnh, có lúc còn trút bực bội lên con.

Cô giáo Nguyễn Hương Liên (Hà Nội) cho biết, làm thế nào để giảm bớt được áp lực, sự căng thẳng cho học sinh cũng là vấn đề mà cô đang rất quan tâm, trong bối cảnh dịch bệnh ở Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, học sinh vẫn phải học online, chưa biết đến bao giờ mới có thể quay trở lại trường học.

Không tạo thêm áp lực cho con

Trao đổi với phóng viên, ThS.BS Tâm thần - Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Trung tâm tâm lý trị liệu lâm sàng Dr. BEE cho biết, có thể tưởng tượng việc trẻ phải ở nhà dài ngày giống như việc các con bị “tù hãm”, khi không vượt được vòng kiềm tỏa nhất định, có thể dẫn tới sự “bùng nổ” rất lớn.

Các con có thể chán nản, không muốn học, phản kháng, bướng bỉnh, cãi cha, cãi mẹ và làm những hành vi khó hiểu.

Trạng thái căng thẳng của trẻ có thể nhận biết qua 3 hành vi cụ thể, đó là, thứ nhất khi học các con ngáp vặt, không chú ý vào chuyện học; thứ hai các con dễ nổi cáu và thứ ba, các con dễ thu mình vào khoảng không gian nào đó không có ai và không muốn giao lưu với bất kỳ ai.

Mỗi học sinh, có thể có những vấn đề cần tư vấn riêng, nhưng nói chung, để phòng tránh và giúp các con vượt qua được trạng thái căng thẳng, đối với giáo viên, cần tạo ra những khoảng không gian vui chơi cùng các con qua mạng. Đó có thể là những trò chơi online, câu đố online… có những giải thưởng cho các con, “nợ” đến khi các con quay trở lại trường học. Mục đích là để định hướng các con có được những tư duy, cảm xúc tích cực.

Đối với gia đình, khi ở gần các con dễ xảy ra tình trạng, càng ở gần con, bố mẹ lại càng phát hiện ra con có nhiều khiếm khuyết. Và khi phát hiện ra khiếm khuyết của con thì muốn “vo tròn” con lại, dẫn tới những việc như quát nạt: Tại sao con lại thế; tại sao con không giống người này, người kia; sao con không làm theo giống ý của bố mẹ… Đó là những hành vi cực kỳ phản cảm với lứa tuổi của các con.

Thay vào đó, cha mẹ hãy tạo ra cho con xung lực làm việc sau giờ học, ví dụ như chơi cùng con; hoặc tạo ra một bài thách đố đối với con, như đố con hôm nay nấu được một bữa ăn ngon… Rồi sau đó, dù con nấu ngon hay dở thì bố mẹ đều động viên, cho con thấy đó là một phần thưởng rất tuyệt vời với bố mẹ.

“Tức là tạo ra những khung trong quan hệ gia đình. Theo đó, bố mẹ cần điềm đạm, không nên tạo thêm cho con những áp lực khi con rơi vào trạng thái căng thẳng. Không nên quát nạt, so sánh con. Không nên nghĩ con mình lúc nào cũng phải "tròn trịa”", ThS.BS Tâm thần - Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách chia sẻ.

Vấn đề trẻ sử dụng thiết bị điện tử cũng là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh. Nhiều gia đình trước đây cấm hoặc hạn chế con sử dụng, tuy nhiên, trong bối cảnh trẻ phải học online, cha mẹ buộc phải cho con dùng. Tuy nhiên, rất lo con sẽ sử dụng sai mục đích và sợ con sẽ gặp những vấn đề về tâm lý khi sử dụng nhiều.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) Lê Minh Công cho biết, trẻ con, đặc biệt là trẻ lớn cần kết nối với các thầy cô giáo và bạn bè ở trường thông qua công nghệ. Trẻ cũng cần có thời gian nhất định nói chuyện với người thân. Như vậy, có thể tích cực hóa hoạt động tinh thần và kết nối xã hội đối với trẻ. Từ đó, giúp đỡ trẻ chống đỡ được stress, khủng hoảng một cách tích cực. Chúng ta nên cho trẻ truy cập vào máy tính khi ở trong phòng khách, hoặc những nơi sinh hoạt chung của gia đình, đề phòng trẻ có thể vào các trang xấu hoặc nghiện game online

Đối với những gia đình có con đang bước vào độ tuổi dậy thì, ThS.BS Tâm thần - Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách lưu ý, cha mẹ cần tạo tính trách nhiệm cho con và hãy lắng nghe con. Tạo tính trách nhiệm cho con bằng cách không đòi hỏi con phải chia sẻ với mình, mà hãy chia sẻ với con. Bởi lứa tuổi này các em đang rất muốn khẳng định bản thân, thay vì việc cha mẹ luôn hỏi: Con có chuyện gì đấy, tại sao con lại như vậy… thì hãy chia sẻ những công việc, áp lực của chính mình, đương nhiên, có sự điều chỉnh, giảm bớt theo từng lứa tuổi. Ví dụ, con đang căng thẳng thì không thể đưa thêm những chuyện căng thẳng , mà phải biết lược đi, điều chỉnh, làm sao đưa được câu chuyện đến với con mà bớt nặng nề. Khi đó, con sẽ sinh ra nội tiết tố, đẩy tính trách nhiệm lên cao và con thực sự muốn chia sẻ cùng bố mẹ.

Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

“Điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, điều mà các em có thể áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni chia sẻ.
back to top